Lời khuyên khi dùng thẻ nhớ dành cho các nhiếp ảnh gia

Trên trang blog của mình, nhiếp ảnh gia Jeff Cable, cựu giám đốc marketing của Lexar mảng kinh doanh thẻ nhớ đã chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm để giúp người chụp ảnh tránh gặp phải những lỗi không đáng có trong quá trình sử dụng & kéo dài tuổi thọ cũng như tránh được nhiều tình huống khóc dở khi cảnh thì tuyệt đẹp mà không có thẻ để lưu. Và nếu bạn đang lưu ảnh kỹ thuật số trên memory card, chắc hẳn nên đọc bài này!

Đầu tiên, chúng ta nên hiểu về thẻ nhớ 

Hầu hết, mọi người khi nhìn vào một thẻ nhớ chỉ nghĩ đơn giản đó là một miếng nhựa có kim loại gắn mạch nhỏ đơn giản bên trong, và lúc dùng cũng không nghĩ nhiều về chúng. Nhưng bên trong tấm thẻ lại chứa cực nhiều thông tin và phần mềm xử lý.

 

Nguồn ảnh: Jeffcable blog

Bên trong thẻ nhớ được sắp xếp phân loại dữ liệu theo File Allocation Table, hay còn gọi là FAT. Đưa ví dụ liên tưởng cho dễ hiểu, bạn hãy nghĩ về thẻ nhớ của mình như là một cuốn sách và các bảng FAT như là mục lục. Khi bạn Format (định dạng) thẻ nhớ, bạn không thực sự xóa toàn bộ ảnh trong thẻ mà chỉ xóa bảng FAT. Tương tự việc này chính là gỡ bỏ bảng mục lục nhưng các chương của cuốn sách vẫn còn. Thực chất thì tất cả các hình ảnh sẽ vẫn còn trên thẻ cho đến khi bạn chụp nhiều và ghi đè lên chúng. Đây là lý do tại sao bạn có thể sử dụng một chương trình như Image Rescue của Lexar, Rescue Pro của SanDisk hoặc các phần mềm phục hồi dữ liệu khác để khôi phục hình ảnh từ thẻ ngay cả sau khi nó đã được Format. Dưới đây là chi tiết lời khuyên của ông:

# 1. ĐỪNG thực hiện thao tác xóa ảnh trong thẻ nhớ ngay trên máy ảnh! 

Việc này có nghĩa là không nên duyệt từng ảnh để xóa chúng ngay trên máy ảnh của bạn. Tôi đã thấy nhiều người (gồm cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp) đã làm điều này. Đây là một thói quen thực sự xấu! Máy ảnh của bạn là một công cụ tuyệt vời để chụp lại những khoảnh khắc đẹp cho bạn, nhưng nó không phải là thiết bị thông minh trong việc quản lý dữ liệu trên thẻ nhớ. Xóa hình ảnh cá nhân trong thẻ bằng cách sử dụng máy ảnh sẽ rất dễ gây ảnh hưởng tới bảng FAT. Đừng làm điều đó! Bạn không cần tới thao tác xóa từng bức ảnh hay nhiều ảnh một lúc để tiết kiệm không gian bộ nhớ. Một khi bạn đã tải dữ liệu về máy tính và sao lưu các hình ảnh, sau đó nên Format (định dạng) thẻ của bạn để sử dụng nó tiếp. 

# 2. Nên Format thẻ nhớ trong máy ảnh, chứ không phải trên máy tính của bạn 

Tôi đã thấy vô số các trang web nói với mọi người hãy format thẻ nhớ trên máy tính của họ. Đây là một hướng dẫn xấu! Nếu muốn định dạng các thẻ, bạn nên làm điều này trên máy ảnh của bạn. Tôi hiện đang dùng Canon 1D X Mark II, Canon 1D X, Canon 5D Mark IV và Canon 5D Mark III, và tôi thường format thẻ trong máy ảnh đang dùng.

 Tôi không định dạng thẻ trên một máy ảnh Canon và rồi lại đổi thẻ sang một máy Nikon. Tấy nhiên là chiếc thẻ vẫn sẽ làm việc nhưng nó có thể gây ra nhiều vấn đề. Đó không phải là một ý tưởng tốt khi đưa một thẻ nhớ ra từ model máy ảnh của hãng này sang hãng khác mà không format lại. Tôi đã thấy mọi người đang chụp bằng một máy ảnh Canon, lại kéo thẻ ra và bắt đầu sử dụng nó trong một máy ảnh Nikon. Mỗi hãng sẽ lại có cách định dạng khác nhau, từng nhà sản xuất thực hiện nó theo cách riêng của họ. Hãy tránh làm như vậy nếu bạn không muốn bị xung đột. 

# 3. Việc nên làm là định dạng (Format) lại thẻ của bạn sau mỗi lần chụp 

 

Một khi bạn đã tải xong ảnh từ thẻ về máy tính thì nên format trước khi sử dụng cho lần tiếp theo

 

# 4. Sử dụng một đầu đọc thẻ tốt! 

Tôi không thể nhớ hết bao nhiêu lần thấy các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp ảnh dùng thẻ chất lượng cao khi đưa ra khỏi một máy ảnh trị giá $10.000 nhưng lại đặt nó vào một đầu đọc giá rẻ. Việc này lại trực tiếp làm hại chiếc thẻ. Khi tôi làm việc tại Lexar thường phải gặp khách hàng gọi về vấn đề thẻ nhớ bị hỏng, một trong những câu hỏi đầu tiên của tôi là "Bạn đang sử dụng đầu đọc thẻ gì?" 

Các đầu đọc thẻ nhớ đều có bộ điều khiển thông minh bên trong chúng cũng giống như các thẻ! Tôi cũng đã thấy nhiều thẻ nhớ bị hỏng do đầu đọc thẻ còn nhiều hơn là do thao tác trên máy ảnh. 

 

# 5. Không nên sử dụng hết hoàn toàn 100% dung lượng thẻ nhớ

Tôi thường sử dụng tối đa đến 90% dung lượng tấm thẻ và lại chuyển sang thẻ mới. Tương tự như vậy, một chiếc ổ cứng trên máy tính cũng lưu tối đa tới 90% dung lượng và sau đó sẽ chuyển sang một ổ cứng mới vì hiệu suất hoạt động của chúng sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi thiết bị lưu trữ đã gần đầy. 

 

# 6. Đừng kéo thẻ nhớ ra khỏi máy ảnh của bạn hoặc đầu đọc thẻ khi dữ liệu đang được ghi hay đọc

Nếu dữ liệu đang được chuyển đến hoặc đọc từ thẻ mà đột ngột rút ra thì đồng nghĩa quá trình đó bị gián đoạn, rất có thể bạn sẽ mất một số hoặc tất cả các bức ảnh trong đó. Và không phải lúc nào cũng tin hết vào đèn báo màu đỏ trên máy ảnh của bạn để xác định được dữ liệu đang được chuyển giao. Trước khi kéo thẻ nhớ ra khỏi, tôi luôn chờ thêm vài giây sau khi đèn đỏ trên máy ảnh đã tắt, có nghĩa rằng các dữ liệu đã được thực hiện hoàn toàn xong.

 

 

# 7. Nếu bạn có hai khe cắm thẻ vào máy ảnh, nên ghi ảnh của bạn vào cả hai thẻ

Bằng cách này, nếu một thẻ bị hỏng, bạn có thể vẫn còn dữ liệu bên thẻ kia,, dù gì cũng không bị mất hết. Tôi luôn luôn làm điều này!

# 8. Mua thẻ nhớ có thương hiệu

Như bạn có thể đoán, tôi sử dụng thẻ nhớ Lexar trong tất cả các máy ảnh của mình, nhưng đó không phải để nói rằng chỉ đó mới là thương hiệu tốt. SanDisk cũng có thể là ví dụ. Có một điều xin chắc chắn rằng bạn không nên sử dụng một trong những thẻ không có tên tuổi hay hàng rẻ tiền. Xin hãy nhớ rằng: bạn đang tin tưởng giao tài sản của mình vào cho thẻ nhớ giữ! 

#9 . Nếu thẻ nhớ rơi xuống nước, các dữ liệu sẽ bị mất mãi mãi?

Đây không phải là sự thật. Bởi vì thẻ được lưu trong bộ nhớ trạng thái rắn. Nếu như không bị cho vào máy giặt hay máy sấy khô công nghiệp thì vẫn có thể cứu được. Tất nhiên là tôi sẽ không thể tiếp tục sử dụng thẻ sau khi gặp phải một tình huống như thế này. Nhưng rất có thể, dữ liệu của bạn vẫn còn trên thẻ hãy phục hồi chúng. Tôi thường nói đùa với mọi người: "Nếu bạn quên thẻ nhớ trong máy giặt, hãy cho nó vào máy sấy!"

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là bạn nên giữ thẻ trong hộp/túi đựng riêng. Như hình dưới là một ví dụ một chiếc túi nhỏ xinh đựng các loại thẻ máy ảnh mà tôi sử dụng. Do những tấm thẻ nhớ rất nhỏ bé, vì vậy bạn nên bảo quản chúng vào trong túi hoặc hộp đựng cố định để dễ tìm thấy. Đây là những mẹo đơn giản mà có thể giúp bạn tiết kiệm từ một tình huống thảm họa. Hy vọng rằng sau khi đọc bài này, thẻ nhớ và ảnh của bạn sẽ không bị mất hay bạn có thể tránh được những tình huống dở khóc dở cười trong tương lai.

 

Túi đựng thẻ nhớ máy ảnh PocketRockets thinktank 

# 10. Mở rộng thêm điều quan trọng cần nhớ

Các tay máy đừng vì làm cho nhanh, ngại lấy đầu đọc hoặc vì chưa có mà cắm nối trực tiếp máy ảnh vào máy tính để lấy dữ liệu, nếu không thì hậu quả sẽ còn tai hại hơn nhiều vì rất có thể máy ảnh bị cháy main đột ngột.

Tham khảo Jeffcable blog 

Related Articles