Một trong những điều mà các phó nháy ghét nhất là việc ảnh mình bị so sánh với cái điện thoại - ví dụ như: "Ảnh bác chụp gần bằng điện thoại rồi đấy!", "Trông khá hơn chụp Iphone một tí!"... Trong một buổi chụp, chắc khoảnh khắc chạnh lòng nhất là khi người mẫu rút điện thoại ra dùng Camera360 độ tự sướng. Nó na ná với việc bảo nháy: "Anh chụp thế nào mà em phải rút điện thoại ra thế kia!"...
Nói tóm lại, điện thoại luôn bị coi là ở đẳng cấp thấp hơn so với DSLR. Thường nhiếp ảnh gia và điện thoại là không đội trời chung. Thế nhưng có thực sự là điện thoại kém hẳn so với DSLR không? Chúng ta hãy cùng làm một so sánh vui giữa một trong những smart phone tốt nhất hiện nay: Samsung Galaxy S6 - và một DSLR già cả đã khá nhiều tuổi: Canon 400D. Hãy xem ai là người chiến thắng nhé.
Để tương đối công bằng, Samsung Galaxy S6 sẽ không sử dụng phụ kiện, các app bên ngoài như Camera360. Canon 400D không sử dụng bất kỳ phụ kiện nào thêm và lắp ống kits 18-55mm.
Trước khi bắt đầu, chúng ta cũng cần biết qua xem camera của Samsung Galaxy S6 nó như thế nào. Thực ra, đây không khác gì chiếc máy ảnh tí hon với đầy đủ các bộ phận rất đàng hoàng không kém gì ai.
Các bộ phận của máy ảnh trong điện thoại Galaxy S6
Cảm biến của S6 là Sony Exmor IMX240, lên tới 16 Megapixel. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi S6 quay phim và xử lý thiếu sáng rất tốt (vốn là thế mạnh của Sony). Bộ vi xử lý được tận dụng từ chip chính của điện thoại: Quad-core 1.5 GHz Cortex-A53. Ống kính lens bé tí tẹo nhưng cũng là ống kính góc rộng 28mm, fix khẩu độ f/1.9. Ở kích thước chỉ bằng ngón tay cái, đây là chiếc lens hết sức ấn tượng, bởi lens tương đương của Canon là 28mm f/2.8 có giá tới 5 triệu và khẩu độ không lớn bằng.
Cảm biến Sony Exmor IMX240
Kích thước cảm biến Sony Exmor IMX240 chỉ bằng 1/2.6 inch, nhỏ hơn rất nhiều so với cảm biến của 400D như ảnh so sánh dưới đây. Chúng ta sẽ thấy sự khác biệt ở phần sau.
kích thước cảm biến 400D và điện thoại S6
1. Quay phim
Do 400D không có tính năng quay phim nên thua luôn từ vòng này. Nhưng ngay cả những máy đời mới như 100D hay 60D thì cũng còn phải thua xa Galaxy S6. Khả năng quay 4K của S6 là vô cùng ấn tượng. Nếu biết cách quay đúng, setup đúng thì nó đẹp, nét và rực rỡ như các clip quảng cáo bán TV vậy. Cũng không có gì ngạc nhiên khi kết quả như thế, bởi giấu mặt đằng sau khả năng quay phim tuyệt vời đó là gã khổng lồ Sony. Mà một khi phải thi thố quay phim với Sony thì ai cũng ngán!
S6 có tới 6 chế độ quay phim khác nhau, trong đó 2 chế độ quay 4K, 3 chế độ quay HD, 1 chế độ quay VGA. Ngoài ra S6 còn có khả năng quay phim tốc độ chậm 4 lần so với thực tế. Điện thoại còn có thể biên tập video theo chế độ thời gian thực ngay trên máy và kết xuất kết quả siêu nhanh. Nói tóm lại nếu bạn là người dùng nghiệp dư thì không máy ảnh Canon nào có thể quay video tiện dụng bằng chiếc điện thoại này được
Điểm yếu của S6 là ở phân khúc dành cho đối tượng chuyên nghiệp - những người cần kiểm soát được chính xác hình ảnh đầu ra như thế nào. S6 tự động quá nhiều, ví dụ cứ vào tối thì nó tự điều chỉnh thành sáng, không tự động lấy nét được... Vì thế rất khó dùng S6 cho những sản phẩm video chuyên nghiệp, trong khi Canon lại làm điều này rất tốt.
2. Chất lượng chụp ảnh, chi tiết, độ nét
Cùng mang 2 máy ra thử nghiệm. Điểm đầu tiên đập vào mắt là màu sắc của Samsung Galaxy S6 rất rực rỡ, hiện đại và nịnh mắt. Nó rực rỡ hơn thực tế khá nhiều. Ví dụ thảm hoa dưới đây màu da cam, nhưng dưới sự tác động của ánh sáng phức tạp, S6 tự động tính toán ra thành màu vàng cam. Màu xanh hơi xỉn của lá cũng biến thành xanh rực. Canon 400D màu cũng không phải chuẩn hẳn, nhưng vẫn đúng thực tế hơn S6.
Ảnh của Galaxy S6
Ảnh Canon 400D
Phóng to hết cỡ, nhìn về phía rìa ảnh, đây chính là sự khác biệt giữa cảm biến lớn và cảm biến điện thoại. Bạn sẽ thấy hình của điện thoại mặc dù chụp ở điều kiện ánh sáng lý tưởng nhưng vẫn bị sạn, lạo xạo, chất lượng pixel thấp. Trong khi với Canon 400D, hình ảnh mượt mà và ít sạn hơn hẳn. Điều này ảnh hưởng lớn khi in ấn, phóng ảnh khổ to.
Về độ sắc nét, thoạt nhìn qua, có cảm giác S6 sắc nét hơn, nhưng thực ra thì ảnh của S6 đã qua thuật toán Sharpen. Khi phóng to 100%, so sánh giữa 2 ảnh, Canon 400D ở chế độ default cũng sắc nét không kém và chi tiết còn mượt và thật hơn. Với S6, có cảm giác chi tiết và màu ảnh hơi bị bết vào nhau, không tách bạch như 400D.
Samsung Galaxy S6
Canon 400D
Canon 400D sắc nét không kém và chi tiết tách bạch hơn Galaxy S6
Vì vậy ở hạng mục này, với người dùng nghiệp dư không chơi ảnh, họ chỉ cần S6 là đủ vì chiếc điện thoại cho màu sắc rất rực rỡ, nịnh mắt, nhìn là khoái. Tuy nhiên với người chơi ảnh, Canon sẽ cho họ hình ảnh tách bạch, chi tiết, màu sắc chuẩn, chất lượng mượt mịn, không bị bết. Với ảnh S6, cho vào hậu kỳ là oải vì chất lượng pixel thấp. Nhưng với Canon, đặc biệt là khi chụp ảnh RAW, bạn có thể hậu kỳ thoải mái theo hướng mình thích.
3. Xóa phông, chụp ảnh có chiều sâu
Với điện thoại, nếu không dùng app kiểu Camera360, chúng ta sẽ luôn sản xuất ra những tác phẩm "chân thực tuyệt vời" như này - tức là rõ từ A đến Z.
Muốn thực hành xóa phông bằng lens, không bằng phần mềm là một điều vô cùng khó khăn. Bạn sẽ phải dí sát tận mũi người mẫu (là điều Duytom không làm được do người mẫu không cho phép :D )
Trong khi đó, dù chỉ với lens kit 18-55mm STM, Canon 400D vẫn xóa phông một cách dễ dàng.
Ngay cả khi dùng app Camera360, điện thoại vẫn không thể chụp ra những bức ảnh có chiều sâu 3 lớp như máy ảnh DSLR làm được. Các ứng dụng điện thoại đơn thuần là xử lý xóa mờ các vùng ảnh để tạo hiệu ứng xóa phông giả. Trong khi máy ảnh thực sự bóc tách không gian thành 3 lớp khác nhau, xóa mờ tiền cảnh, hậu cảnh và hiện rõ vùng người mẫu đứng. Chính vì thế ở hạng mục này, Galaxy S6 chưa thể bằng các máy ảnh DSLR được.
4. Chụp tương phản ngược sáng
Thử nghiệm này cho kết quả kỳ lạ và đáng kinh ngạc: Samsung Galaxy S6 xử lý tương phản ngược sáng tốt hơn so với Canon 400D! Với khung cảnh tương phản cao như dưới đây, S6 vẫn cho ra bầu trời rõ ràng, các tia mặt trời đẹp và ấn tượng, mặt đất đủ sáng, cả ảnh rất sắc nét, màu sắc được đảm bảo. Còn Canon 400D thì cố gắng lắm cũng chỉ được mặt đất tối tối và bầu trời thì quá sáng.
5. Phơi sáng
Phơi sáng là chủ đề khá khó nhằn với các điện thoại, vì dù sao đặc điểm của các thiết bị này là tự động nhiều, trong khi phơi sáng đòi hỏi phải có sự kiểm soát bằng tay gần như hoàn toàn. S6 có thể chụp ảnh thác nước, nhưng để phơi ảnh ngay buổi sáng để chụp dòng nước như dải lụa thì không thể. Trong khi Canon 400D dễ dàng thực hiện được khi chỉnh ISO về 100, khép khẩu tới f/32.
Khi phơi sáng buổi tối, S6 có ưu điểm là ảnh sáng và dễ nhìn hơn. Nhưng bù lại thì nó khó phơi một cách kinh khủng. Hầu như chỉ phơi sáng được 2 giây, quá lên là ảnh cháy. Canon 400D thì có thể dễ dàng phơi tới 30 giây, hiệu ứng ngôi sao đầy đủ.
Nói chung ở nội dung này, S6 không bằng Canon 400D được.
6. Thể thao
Samsung Galaxy S6 có tốc độ chụp rất đáng nể: bạn nhấn giữ nút chụp và trong một tích tắc có thể chụp được đến 8 ảnh (trong khi Canon 400D ì ạch với 3 ảnh/giây!).
Lia máy với S6 khá khó khăn, nhưng nếu thực hiện được thì bạn sẽ có hiệu ứng khá thú vị.
Lia máy với Galaxy S6
7. Macro
Đây là nội dung mà Galaxy S6 vượt trội so với Canon 400D và lens kit. S6 có thể zoom rất sát vào đối tượng và ảnh phóng to như dùng lens macro. Tất nhiên 400D có thể chụp được macro, nhưng bạn sẽ phải đầu tư số tiền khá lớn cho lens chuyên dụng.
Chụp macro với S6
8. Chụp đa dụng
Cuối cùng, đem cả 2 máy vào triển lãm để chụp, bạn có thể phân biệt được ảnh nào do điện thoại chụp, ảnh nào do máy ảnh chụp không?
Kết luận
Qua so sánh giữa hai thiết bị, có thể thấy điện thoại đang có những bước tiến rất lớn. Ở ngay thời điểm hiện tại, điện thoại vẫn thua máy ảnh ở chất lượng ảnh, khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị, khả năng hỗ trợ người dùng chuyên nghiệp. Nhưng nên chăng chúng ta cần đặt điện thoại vào một vị trí xứng đáng hơn? Vì rất có thể, đây sẽ là tương lai của ngành nhiếp ảnh không biết chừng.
Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com
Comment
{fcomment}