Đánh giá của DuyTom: Rất tốt!
Giá Canon Macro Lens EF 100mm f/2.8 USM
5.5 - 7.5 triệu (giá năm 2015)
Năm: 2000
Đối tượng: Người chơi nghiệp dư
Phù hợp: chụp macro côn trùng, hoa lá cành, chân dung, phong cảnh
Giới thiệu
Canon EOS 6D - EF100mm f/2.8 Macro USM - ƒ/8.0 - 100.0 mm - 1/125 - ISO: 2500
Nhiếp ảnh là một thú chơi tuyệt vời, vì nó mở ra cho chúng ta những góc nhìn chưa từng thấy, những chân trời hoàn toàn mới. Ví dụ khi ta dùng ống kính siêu rộng, ta ngắm một thế giới khác biệt khi không gian hẹp thành rộng mênh mông; khi chụp ảnh tốc độ cao, ta thấy được thời gian trôi chậm mọi thứ như thế nào; khi dùng ống kính fish-eye, ta lại có đôi mắt của cá, nhìn mọi thứ toàn đường cong. Và tương tự như vậy, nếu bạn tự hỏi ở khoảng cách cực nhỏ cực bé, ở thế giới côn trùng mọi thứ như thế nào; thì đây, một lần nữa nhiếp ảnh sẽ là chìa khóa mở ra thế giới mới cho bạn: thế giới của kính hiển vi!
Cách đây vài chục năm, để có được tấm hình một con côn trùng nào đó nét căng và ấn tượng, các nhà thí nghiệm đã phải sử dụng dàn thiết bị trị giá cả trăm nghìn USD. Rất may là đến thời điểm này, bạn không cần phải là tỉ phú để có thể chụp macro (mặc dù nếu bạn là tỉ phú thì sẽ tốt hơn nhiều :D ). Tất cả những gì bạn cần là: một chiếc Canon DSLR và ống kính Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM trị giá vài triệu (Nếu có thể có flash nữa thì hoàn hảo).
Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM thực sự là lens macro, tức là có khả năng chụp những vật thể rất nhỏ và lên chi tiết rất rõ ràng, chứ không giống như những lens bình thường có ký hiệu macro. Những lens bình thường có thể dí rất sát vật thể, nhưng chụp chỉ lên được hình dáng vật thể, không lên được chi tiết siêu nhỏ. Với những lens bình thường đó, ta có thể chụp các thể loại côn trùng ruồi muỗi, nhưng sẽ không gây ấn tượng được với ai, vì nó không đủ độ phóng đại và chi tiết cần thiết.
Con ruồi chụp bằng 55-250mm, không đủ để tạo ấn tượng
Mặc dù là lens L nhưng kết quả chụp bằng 135mm f/2 còn thảm thương hơn
Nhưng Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM thì hoàn toàn khác biệt. Ấn tượng đầu tiên phải kể đến là độ sắc nét đến kinh ngạc. Sau đó là độ chi tiết đến từng pixel. Đây chính là yếu tố giúp Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM thực sự là lens chụp macro. Ví dụ bạn có thể chụp một con ruồi với huyền thoại 135mm f/2, hay tân binh siêu tốt 55-250mm STM, nhưng sản phẩm của bạn luôn chỉ là một bức ảnh con ruồi không hơn không kém. Trong khi Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM có thể zoom tận mặt con vật, làm nổi hết cả lông lá, vòi, cặp mắt vĩ đại với hàng trăm thấu kính nhỏ... đó là một góc nhìn hoàn toàn khác mà không phải ai cũng có cơ hội (và khả năng) để chụp được như vậy.
Sự khác biệt của Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM so với đám còn lại là rất rõ ràng!
Cảnh báo: Chụp macro là một thú vui gây nghiện giống chụp chim muông. Một khi bạn đã lỡ dính vào thì bạn sẽ dính vào đó rất lâu không dứt ra được!
Lens macro nói chung đều có độ sắc nét và chi tiết hơn lens thường, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM hoàn hảo cho mục đích chụp chân dung, phong cảnh, hay bất kỳ loại hình chụp bình thường nào khác.
Màu sắc của lens tương tự 85mm f/1.8 hay 50mm f/1.4, hiện trường như nào thì màu sắc như thế, rất trung thực, không biến đổi nịnh mắt như những lens STM mới ra.
Tương thích: Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM là lens dành cho full-frame nên nó chạy trên mọi loại máy Canon, cả full-frame lẫn crop
Ưu điểm của lens:
- Sắc nét, chi tiết tuyệt vời
- Màu sắc trung thực
- Mở ra cả một thế giới hiển vi cho những nhiếp ảnh gia ưa khám phá
- Giá rất tốt
Nhược điểm:
- Không có
Giá Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM
5.5 đến 7.5 triệu (giá năm 2015)
Đây là giá quá tốt cho một lens chuyên macro. Lưu ý là không chỉ macro, Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM còn chụp tốt nhiều thể loại khác
Thông số kỹ thuật
Ký hiệu
Các chữ cái viết tắt của Lens:
- Macro: Đây là lens chuyên chụp những vật thể rất nhỏ
- USM: (Ultra Sonic Motor) Giúp lấy nét êm ái và nhanh
Tiêu cự
100mm.
Khẩu độ
f/2.8
Kích thước kính lọc
58mm
Lấy nét gần nhất
0.31m
Kích thước
78.55 x 118.25mm
Nặng
584.2g
Hood
ET-67
Túi
LP1219
Sử dụng
Chụp Macro:
Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM mở ra một thế giới siêu vi đầy "ghê rợn"!
Mặc dù Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM chụp chân dung và phong cảnh tuyệt vời, nhưng trước hết, hãy xem xét mảng chuyên môn mà lens tỏa sáng nhất: Chụp macro.
Nhiều nhiếp ảnh gia dùng lens bình thường đi chụp macro chủ đề như hoa lá cành. Thế cũng tốt thôi, nhưng, Errhhh... ai quan tâm chứ, mấy bông hoa vớ vẩn? Nếu bạn muốn gây ấn tượng mạnh, thực sự mạnh, thì hãy dùng hàng macro xịn, phóng to tận mặt côn trùng, biến chúng thành những con quái vật mà bình thường mọi người không nhìn thấy được. Phản ứng của mọi người đầu tiên sẽ là vô cùng kinh ngạc, thứ đến là sẽ không tin bạn có thể chụp được những tấm ảnh như vậy (Việc đó có thể coi là lời khen cho tài năng chụp ảnh của bạn :D )
Những con vật/ vật thể mà Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM chụp tốt nhất nằm trong khoảng 2mm tới vài cm. Theo đó bạn có thể chụp hầu hết các loại côn trùng sau: ruồi, muỗi, ong, kiến, nhện, bọ xít, cuốn chiếu, vân vân và vân vân... Những loài bé dưới 1mm có thể sẽ không lên được chi tiết: các loại côn trùng ký sinh, bọ chét, chấy,... Hầu hết mọi loài côn trùng phóng to lên đều gây ấn tượng mạnh. Chụp dễ nhất là ruồi, sau đó là nhện nhảy, và kiến.
Mắt, lông, râu kiến đều nổi lên rất rõ
Chụp macro cũng là lĩnh vực đòi hỏi bạn có trình độ nhất định chứ không phải đơn giản. Thứ nhất, khi chụp cận cảnh (Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM có thể dí sát cách vật thể 15cm), độ sâu trường ảnh DOF gần như = 0. Ngay con kiến bé tí cũng chỉ rõ mặt, đến chân là bắt đầu mờ. Vì vậy khả năng lấy nét và quan sát của bạn phải rất tinh tế. Thứ hai là khi dí sát, chính bạn sẽ chắn đi phần lớn nguồn ánh sáng quý giá. Do đó bạn sẽ phải vặn vẹo, thay đổi góc nhìn tư thế, xoắn người như xoắn quẩy để khỏi che ánh sáng. Đồng thời khả năng cân bằng giữa ISO, khẩu độ, tốc độ cửa chập của bạn phải rất nhuần nhuyễn, hoàn toàn làm chủ thiết bị thì mới có được tấm ảnh ưng ý. Nói tóm lại, chụp macro không đơn giản và bạn phải có trình độ thực sự.
Khi chụp macro, độ sâu trường ảnh gần như = 0, nhỏ như kiến cũng chỉ rõ "mặt", không rõ chân
Để tăng độ sâu trường ảnh, bạn nên để khẩu độ ít nhất f/5.6 hoặc tốt ra là f/8. Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM nét nhất ở f/8. Với khẩu độ nhỏ như f/8, ngay cả ngày nắng to, ISO cũng có thể lên tới 1000 hoặc 1600, gây nhiễu ảnh. Vì vậy việc có flash đi kèm là rất cần thiết. Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM không mạnh ở mảng chụp côn trùng ngoài thiên nhiên. Việc phải dí sát, không có chống rung khiến tư thế chụp rất khó và ảnh nhiễu, không nét. Thật sự để chụp macro, flash gần như là không thể thiếu
Để khắc phục hạn chế về độ sâu trường ảnh DOF quá mỏng, đồng thời giúp chụp macro rõ từ trước ra sau con vật, người ta áp dụng kỹ thuật Focus stacking. Nói nôm na, Focus stacking là kỹ thuật chụp nhiều bức ảnh nét nhiều phần khác nhau của con vật, sau đó ghép lại thành một bức ảnh nét suốt từ đầu đến đuôi. Nhiều nhiếp ảnh gia có thể ghép tới cả trăm tấm ảnh vào một. Có nhiều phần mềm hỗ trợ Focus stacking, trong đó photoshop CS5 trở lên có tính năng này. Để phục vụ cho chụp Focus stacking, hầu hết các nhiếp ảnh gia phải có thiết bị hỗ trợ như thanh trượt. Duytom sẽ đề cập kỹ hơn trong một bài khác.
Ngoài chụp côn trùng, Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM hoàn toàn có thể dùng phục vụ những mục đích chụp macro khác rất thú vị như chụp giọt nước dưới đây:
Vũ điệu của nước - một số tác phẩm với lens Canon Macro 100mm f/2.8 USM
Dưới đây là một số hình ảnh macro khác:
Phóng to màn hình điện thoại
Phóng to đầu bút bi, và bây giờ bạn đã biết tại sao gọi là bút bi, vì đầu bút có viên bi nhỏ xíu
Và giờ bạn đã biết người ta in ấn như thế nào
Chụp chân dung:
Thế mạnh của Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM là độ sắc nét và chi tiết hơn hẳn lens thường. Vì vậy không có lý do gì để ngăn Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM thành một lens chụp chân dung tuyệt vời. Ở f/2.8, Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM xóa phông mù mịt. Bokeh cũng rất đẹp, nên nếu cần phải chụp chân dung, bạn không cần phải ngần ngại khi dùng lens này.
bokeh rõ ràng và mượt mà của lens
Chụp kiến trúc/Phong cảnh/nội thất:
Bên cạnh thế mạnh về độ sắc nét và chi tiết, khi chụp kiến trúc phong cảnh, Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM có 2 điểm yếu là góc nhìn quá hẹp và màu sắc nhạt nhòa, không lên được. Vì vậy lens không được điểm cao ở mảng này.
Hiệu ứng ngôi sao:
Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM cho hiệu ứng ngôi sao 8 cánh tòe ra. Đây là điều khá đáng buồn và là lý do thêm để không dùng Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM cho việc chụp phong cảnh, phơi sáng.
Hiệu ứng ngôi sao của Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM
Chụp thể thao/ tốc độ cao:
Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM lấy nét tự động chậm, ngay cả trên 5D Mark III, và vì thế không phù hợp với chụp thể thao tốc độ cao, lĩnh vực cần lấy nét nhanh như điện.
Cầm trên tay - cảm giác sử dụng
Đây là lens rất nhẹ, nhưng dài. Bạn sẽ cần túi khá to để đựng vừa. Có 2 mức lấy nét tối thiểu gồm 0.31m và 0.48m. Vòng lấy nét bằng tay to và dễ điều khiển. Canon thiết kế rất khéo léo để bạn có thể xoay từng tí một để chọn lấy nét và đầu hay vào chân con ruồi một cách dễ dàng.
Khuyên dùng
Nếu bạn là sinh viên, học sinh, người dùng bình thường đam mê tìm tòi khám phá, thì Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM là lựa chọn hoàn hảo. Bạn hoàn toàn có thể cho ra những tác phẩm macro gây ấn tượng mạnh với người thân bạn bè bằng lens này. Điểm yếu chụp côn trùng ngoài thiên nhiên có thể khắc phục bằng cách dùng flash đi kèm. Canon Macro lens 100mm f/2.8 USM có tính chất quang học tuyệt vời, hầu như không có lỗi, nên đây là lens rất đáng tiền đáng của.
Nếu bạn có dư dả tài chính, thì hãy cân nhắc Canon Macro lens 100mm f/2.8 L IS USM, ra đời năm 2009, bổ sung thêm tính năng chống rung, giúp việc chụp côn trùng ngoài thiên nhiên dễ dàng hơn đáng kể. Hoặc nếu bạn thực sự giàu có, thì hãy chọn Canon Macro lens 180mm f/3.5 L, vốn được sản xuất cho dân chuyên nghiệp xài. Dùng hàng thú dữ này, và bạn sẽ không gặp phải những nhược điểm khó chịu của series 100mm macro nữa. Nếu chừng đó vẫn chưa đủ làm bạn hài lòng, thì hãy xem xét vũ khí tối thượng Canon MP-E 65mm 1-5x Macro. Lens này phóng đại rõ tới vân của từng hạt gạo, và đây là giới hạn phóng đại cuối cùng Canon có được cho tới thời điểm này (2015).
Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com
Comment
{fcomment}