Nói tới Steve McCurry chắc hẳn những người am hiểu nhiếp ảnh đều biết tới và ngưỡng mộ. Mỗi bức ảnh của ông mang theo cả một câu chuyện và luôn chứa đựng sự ám ảnh. Mời các bạn tham khảo những mẹo bố cục hay mà nhiếp ảnh gia này thường áp dụng.
Kênh COOPH đã liệt kê 9 mẹo sáng tác ảnh với những cách khám phá và vận dụng thông minh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Steve McCurry hơn 30 năm lăn lộn với nghề.
>> Thủ thuật dịch phụ đề tiếng Việt cho mọi video trên Youtube
"Cô gái Afghanistan" - Steve McCurry lên trang bìa tạp chí National Geographic - 90 bức ảnh đẹp nhất.
Bức ảnh "Cô gái Afghanistan" (Afghan Girl*) là "bức ảnh được công nhận nhất" trong lịch sử của tạp chí National Geographic và là bức ảnh trang bìa trên số ra tháng 6 năm 1985.
Tác phẩm này cũng đã được sử dụng rộng rãi trên tài liệu quảng cáo, áp phích, và lịch của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International). Danh tính của "Afghanistan Girl" vẫn chưa biết trong hơn 17 năm cho đến khi McCurry và một nhóm National Geographic gặp người phụ nữ, Sharbat Gula, vào năm 2002.
Khám phá những bí kíp mà Steve McCurry hay áp dụng, được tổng hợp từ trang COOPH (Toàn bộ ảnh minh họa: Steve McCurry):
# 1. Nguyên tắc 1/3
Chia bức ảnh làm ba phần, chú ý sao cho những phần quan trọng của bức ảnh nằm dọc theo đường kẻ với hai chiều dọc và ngang. Nằm tại vùng giao nhau của các đường kẻ đó chính là những phần quan trọng nhất của bức ảnh (bạn hãy nhìn chỗ đánh dấu chéo màu đỏ trong hình trên và dưới).
# 2. Các đường dẫn hội tụ tạo sự tập trung
Sử dụng các đường kẻ tự nhiên trong bối cảnh để hướng sự chú ý của người xem vào đúng vị trí mong muốn.
# 3. Đường chéo
Đường chéo tạo ra cảm giác về sự chuyển động một cách tuyệt vời. Với các bức ảnh mà nội dung có sự di chuyển, việc chọn đúng các đường chéo sẽ tạo cảm giác hiệu ứng chuyển động.
# 4. Đóng khung
Sử dụng các khung và viền tự nhiên có trong khung cảnh ví dụ như khung cửa sổ hay cửa ra vào để 'đóng khung' một cách tự nhiên cho tác phẩm của bạn.
Những chiếc xe đạp được buộc chặt ở sườn tàu tại West Bengal năm 1983. Những đoàn tàu của Ấn Độ vận chuyển khoảng 20.000 hành khách mỗi ngày và có hành trình đi qua những cảnh quan thiên nhiên ấn tượng nhất đất nước.
# 5. Tương phản giữa đối tượng chính và nền
Chú ý vào sự tương phản giữa nhân vật chính và khung cảnh nền. Tìm ra những điểm đối lập (màu sắc, chất liệu…) giữa đối tượng chính của bức ảnh và phần nền của bức ảnh.
# 6. Lấp đầy khung hình bằng chính chủ thể
Lấp đầy khung hình với chủ đề bạn chọn, chỉ để lại ít hoặc không cần không gian xung quanh, cách này có thể rất hiệu quả trong một số tình huống nhất định. Nó giúp người xem tập trung vào chủ đề chính mà không có bất kỳ sự phân tâm nào. Nó cũng cho phép người xem quan sát chi tiết của một đối tượng mà không thể có được nếu chụp từ xa.
Nhiếp ảnh gia huyền thoại Steve McCurry đã 80 lần đặt chân đến đất nước Ấn Độ trong 30 năm sự nghiệp của ông. Trong khoảng thời gian đó, ông bị đất nước – con người Ấn Độ hấp dẫn nên hầu như tất cả các bức ảnh của ông, người dân Ấn Độ hiện lên đẹp hơn bao giờ hết.
Trong ảnh là một người lớn tuổi thuộc bộ tộc Rabari, Ấn Độ có màu tóc và râu vô cùng ấn tượng cũng như đeo nhiều phụ kiện tại Rajasthan năm 2010.
Hãy cố gắng thử rút ngắn khoảng cách vào gần người mà bạn đang chụp ảnh họ.
# 7. Tập trung vào con mắt, nơi 'thống trị' cảm xúc bức ảnh
Hãy thử bố trí sao cho mắt của chủ thể nằm ở chính giữa ảnh, bạn sẽ thấy nó mang lại ấn tượng mạnh cho người xem. Đặt đúng mắt trái hoặc mắt phải vào vị trí trung tâm bố cục bức ảnh. Điều này sẽ tạo nên ấn tượng như đôi mắt của đối tượng đang dõi theo bạn.
# 8. Khuôn mẫu và sự lặp lại
Quan sát xung quanh và bạn có thể tận dụng những hoa văn có tính thẩm mỹ ở xung quanh. Thông thường thì một chuỗi lặp lại các hình mẫu khiến bức ảnh trở nên dễ gần. Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nếu các hình mẫu này có sự phân cách vì điều này tạo ra một số nét tương phản cho bức ảnh.
Trong ảnh là một nhóm người trong trang phục màu đỏ khiêng một người đàn ông với gương mặt cười hạnh phúc trong trang phục màu xanh tại lễ hội Holi. Ảnh chụp tại Rajasthan năm 1996.
“Lần đầu tiên tôi đến Ấn Độ là vào năm 1978. Kể từ đó, tôi đã đến Ấn Độ 85 lần. Ấn Độ là một trong những điểm đến ấn tượng nhất đối với tôi và nơi đây đã trở thành chủ đề nhiếp ảnh của tôi trong 30 năm qua. Tôi có khoảng 15.000 bức ảnh trong kho lưu trữ chụp về cuộc sống – con người Ấn Độ”, nhiếp ảnh gia Steve McCurry chia sẻ.
# 9. Đối xứng
Sự hài hoà giữa hai nửa của bức ảnh sẽ luôn chiều lòng những đôi mắt dù khó tính nhất.
Không có quy tắc nào không thể phá vỡ!
Các quy luật nhiếp ảnh sinh ra có thể được 'phá vỡ' theo nhiều cách. Điều quan trọng là bạn hãy sáng tạo theo cách mình thích và cảm thấy thoải mái nhất!
Chân dung Steve McCurry. Ảnh: Delmar Watson Photos
Steve McCurry: "Tôi chỉ là một người kể chuyện bằng hình ảnh!"
[Video] Chia sẻ của Steve McCurry**, những câu chuyện gắn liền với các bức ảnh mang đầy ám ảnh phía sau:
**:Nhiếp ảnh gia Steve McCurry, phóng viên ảnh nổi tiếng thế giới, sinh ngày 24 tháng 2 năm 1950, tại một vùng ngoại ô của Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ. Bức ảnh "Afghan Girl" gây tiếng vang của ông là lựa chọn đầu tiên - tác phẩm của một nhiếp ảnh gia - được xuất hiện trong tạp chí National Geographic số ra tháng 6 năm 1985. Steve McCurry tốt nghiệp trường Kiến trúc và Nghệ thuật của Pennsylvania State University, làm phóng viên ảnh cho tờ báo địa phương The Daily Collegian được hai năm. Sau đó, ông làm phóng viên tự do. Năm 1979, National Geographic cử ông sang Afghanistan đưa tin chiến sự. Công việc nguy hiểm buộc ông phải cải trang theo cách ăn mặc của người địa phương và phải làm mọi tiểu xảo để cất giấu những cuộn phim chụp được. Đổi lại, loạt ảnh ông gửi về từ chiến trường Nam Á đã đoạt Huy chương vàng Robert Capa dành cho ảnh đưa tin từ nước ngoài, huy chương danh giá cho phóng viên ảnh dũng cảm trong môi trường hiểm nguy. Từ đó, ông tiếp tục dấn thân trên những miền đất xung đột Iran-Iraq, Beirut, Campuchia, Philippines, vùng Vịnh… với nhiều tác phẩm đoạt các giải thưởng danh giá và xuất hiện thường xuyên trên hầu hết các tạp chí lớn của thế giới. *: Bức ảnh "Cô gái Afghanistan" (Afghan Girl) là "tác phẩm được công nhận nhất" trong lịch sử của tạp chí National Geographic. Đây là bức ảnh được sử dụng rộng rãi trên các tài liệu quảng cáo, áp phích, và lịch của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International). Danh tính của "Afghanistan Girl" vẫn chưa được biết tới trong hơn 17 năm cho đến khi McCurry và một nhóm National Geographic gặp người phụ nữ, Sharbat Gula, vào năm 2002. |
Tổng hợp twistedsifter/DKN/Brightside/COOPH