Dưới đây là 12 điểm cần chú ý và mẹo nhỏ cho các bạn mới vào nghề muốn chụp ảnh nhóm bạn hoặc gia đình để có những bức tấm hình đẹp và ăn ý cho tất cả các thành viên tham gia.
Các lỗi phổ biến trong chụp ảnh nhóm
- Một hay vài người trong ảnh nhìn ra chỗ khác, theo nhiều hướng khác nhau.
- Có người bị nhắm mắt khi chụp.
- Có người bị "mất tích" trong bức ảnh.
- Bạn muốn chụp một bức ảnh cùng vui hoặc cùng nghiêm túc, nhưng các cá nhân trong đó lại rất lộn xộn (người cười, người nghiêm túc, người nhí nhố vv..).
- Ảnh chụp nhóm quá xa.
- Đánh flash sai (chỉ chiếu sáng lên đầu hoặc xuống chân).
Để có bộ ảnh chụp nhóm đẹp là kỹ thuật không hề dễ dàng đối với những người mới chụp. Nhưng chỉ cần để ý và học hỏi kiến thức thì bạn sẽ hạn chế được nhiều nhược điểm khi thực hiện, mời xem hướng dẫn sau đây:
1. Chuẩn bị, lên ý tưởng trước
Sự chuẩn bị trước là điều tối quan trọng, nó sẽ giúp bạn chụp nhanh hơn rất nhiều so với một người chụp nhóm ngẫu hứng mà không chuẩn bị gì. Mọi người cũng không muốn chờ đợi lâu, đặc biệt là với sự kiện quan trọng nhiều khách VIP, vì vậy trước khi chụp bạn hãy suy nghĩ về một số điều sau:
- Vị trí của bạn và vị trí nhóm sẽ đứng. Cách mà bạn sẽ đặt mọi người trong khung ảnh (tư thế tạo dáng, chụp đứng hay ngồi).
- Hình dung sơ lược về cách sắp xếp để không ai bị che mất (ví dụ: nữ đứng trước nam, hàng trước ngồi xuống, người thấp bé đứng trước, v.v..).
- Thông báo cho mọi người trước vài phút để họ chuẩn bị và tạm hoãn các việc đang làm.
- Kiểm tra máy ảnh sẵn sàng, đã sạc pin chưa, thẻ nhớ có chưa, dung lượng thẻ còn đủ không.
Hình dung trước bức ảnh bạn sẽ chụp và thông báo trước cho mọi người để họ chuẩn bị.
2. Chọn vị trí
- Vị trí mà bạn đặt nhóm vào khung chụp cũng ảnh hưởng nhiều tới bức ảnh.
- Vị trí tốt sẽ tạo ra bối cảnh, giúp thể hiện rõ hơn ý đồ bạn muốn chụp. Ví dụ: chụp một đội bóng đứng trên sân tập sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là chụp họ đứng quay lưng vào tường.
- Tránh xuất hiện các nhân tố, vật thể không liên quan. Hãy dọn bớt bàn ghế nằm rải rác bên cạnh, nếu có người lạ lọt vào khung ngắm thì có thể mời họ tránh sang một bên.
- Ánh sáng ở khu vực đó cũng cần phải để ý, nên chọn chỗ có ánh sáng vừa đủ. Quá sáng hay quá tối đều ảnh hưởng tới chủ thể, bóng râm lá cây đôi khi để lại các vệt loang lổ trên mặt.
Trang phục của nhóm và bối cảnh xung quanh liên quan mật thiết với nhau.
3. Chụp nhiều ảnh liên tục
Một trong những cách tốt nhất để tránh trường hợp có người nhắm mắt hoặc nhìn lơ đễnh sang bên, đặc biệt là trẻ em hiếu động, là chụp nhanh nhiều bức ảnh. Bạn nên chuyển máy sang chế độ chụp liên tục và bấm nhiều lần cách nhau vài giây. Phát "bắn" đầu tiên thường không tốt lắm do mọi người vẫn còn hơi cứng, nhưng ở các phát tiếp theo thì họ cũng thoải mái hơn chút và tạo dáng cũng ổn hơn.
Nếu đang sử dụng ống kính zoom thì bạn có thể chụp nhiều tiêu cự khác nhau. Ví dụ tấm chụp gần lấy hết mặt, tấm rộng hơn lấy hết cả chân, tấm rộng hơn nữa lấy thêm một phần cảnh vật xung quanh.
Ở trường hợp bạn không cần sắp xếp vị trí đừng mà có người làm thay, thì trong thời gian này bấm máy vài tấm để kiểm tra trước cũng không thừa đâu nhé.
Nếu nhóm hiếu động như trẻ em thì chụp liên tục là điều cần thiết.
4. Hãy tiến lại gần
Cố gắng đến gần nhất với nhóm mà bạn đang chụp, mà vẫn có thể chụp hết được mọi người. Càng gần thì ảnh sẽ càng nhiều chi tiết hơn, sẽ thấy được các khuôn mặt rõ ràng hơn. Ai cũng muốn mình xuất hiện trong ảnh nhóm một cách rõ nét.
Vài kỹ thuật hiệu quả để sắp xếp mọi người sát lại giúp bạn tiến gần hơn nữa là để họ đứng hơi nghiêng vai 1 chút, hay đứng so le nhau thay vì 1 hàng (khuôn mặt người sau sẽ xuất hiện trên vai 2 người trước).
Nếu là một nhóm nhỏ vài người, hãy thử đến gần và chụp một số bức ảnh từ ngực trở lên.
Thử chụp gần sẽ lấy được những biểu cảm trên mặt.
5. Sắp xếp đội hình
Trong hầu hết các trường hợp, mọi người sẽ tự động sắp xếp kiểu "thấp đứng trước - cao đứng sau". Điều này cũng tốt, tuy nhiên bạn có thể điều chỉnh thêm một chút để có bức ảnh đẹp hơn:
Nếu đây là một bữa tiệc dành cho một - hai người đặc biệt (như đám cưới, sinh nhật), hãy biến họ thành tâm điểm bằng cách đưa họ vào giữa nhóm. Một ý tưởng nhỏ cho bạn: hãy chụp thêm tấm ảnh tất cả mọi người xung quanh nhìn vào người đặc biệt này thay vì nhìn vào ống kính.
Cố gắng đừng làm cho khoảng cách giữa các hàng quá sâu, điều này sẽ làm cho mọi người trong ảnh đều rõ nét. Nếu gặp trường hợp nhóm đông đứng thành nhiều hàng, hoặc điều kiện khi đó bắt buộc phải đứng hàng trước hàng sau xa nhau, hãy khép khẩu lại để tăng độ sâu trường ảnh.
Nói với mọi người hãy nâng cằm lên một chút, khuôn mặt của họ sẽ thanh thoát hơn, và cũng bớt hiện tượng "nọng cằm".
Hãy luôn nhớ đặt người quan trọng nhất vào giữa khung ảnh.
6. Chọn thời điểm chụp
Ở các chương trình kéo dài như buổi dã ngoại, đám tiệc, khi mọi người đã đông đủ rồi thì hãy chụp càng sớm càng tốt. Lúc mới bắt đầu mọi người đều rất đẹp, rất "chỉn chu", thời điểm này chụp nhóm là đẹp nhất.
Nhiều người thường chụp lúc cuối chương trình, đây không hẳn là ý hay. Bởi khi đó thành viên nhóm đã thấm mệt, không còn giữ được vẻ ngoài như lúc bắt đầu, đôi khi cũng có người ra về sớm. Và nếu là một buổi ăn uống có rượu bia nữa thì càng khó để có tấm ảnh đẹp, trừ khi bạn muốn chụp vui, kiểu nắm bắt khoảnh khắc.
Lúc mới bắt đầu chương trình, ai cũng tràn đầy năng lượng.
7. Ánh sáng
Chụp nhóm thì việc rõ nét, chi tiết các thành viên là điều quan trọng, và bạn cần phải có đủ ánh sáng.
Nếu vị trí chụp có ánh sáng yếu, hãy chuẩn bị sẵn sàng đèn flash để trợ sáng. Đồng thời nên chụp nhiều lần, nên xem lại sau khi chụp, bởi có nhiều trường hợp người chụp hướng máy ảnh không chuẩn ở giữa khiến flash đánh chỉ ở nửa trên đầu hoặc nửa dưới chân của nhóm.
Khi chụp với hậu cảnh chứa nguồn sáng đằng sau ví dụ như chụp nhóm ở cảnh mặt trời mọc, bạn cũng có thể dùng flash trợ sáng để không bị tối mặt các thành viên và vẫn lấy được hình ảnh mặt trời lên.
Vào ngày nắng rực rỡ, đừng để mọi người ở chỗ mặt trời rọi thẳng vào mặt, không ai thích mình vào ảnh mà nheo mắt cả. Lúc này vào khu vực râm mát chụp là tốt nhất, hoặc bạn có thể xếp nhóm quay lưng lại phía mặt trời rồi đánh flash trợ sáng phía trước.
Nếu ánh sáng mặt trời sau lưng quá mạnh, hãy bật flash để trợ sáng không bị đổ bóng tối trước mặt.
8. Kiểm soát thành viên nhóm
Trong phần lớn các buổi chụp, nhiếp ảnh gia cũng là người kêu gọi tập hợp nhóm để chụp. Đây thực sự là điều khó khăn với những nhiếp ảnh gia không giỏi giao tiếp hoặc ít kinh nghiệm, đám đông gần như mất kiểm soát. Điều quan trọng là hãy thể hiện một thái độ thoải mái, mỉm cười thay cho khuôn mặt "nghiêm trọng" căng thẳng trong suốt buổi chụp, nếu được thì hãy nói chuyện với họ và nói bạn cần họ tạo dáng chụp trong bao lâu.
Điều quan trọng tiếp theo là bạn cần một lý do để tập hợp mọi người. Ví dụ, trong một sự kiện thể thao, bạn có thể thúc đẩy mọi người tạo dáng bằng cách nói "Nào, hãy chụp ảnh nhóm để ăn mừng chiến thắng của chúng ta". Khi có một lý do cụ thể, đám đông sẽ sẵn sàng và dành vài phút để tạo dáng giúp bạn.
Sử dụng những câu nói khiến mọi người thư giãn, thay vì "cười lên" hoặc "1,2,3, chụp". Bạn có thể sử dụng những câu lạ hơn chút để tạo sự vui vẻ. Ví dụ:
Thay "1,2,3, chụp" bằng "1,2,3, tươiiiiiii"
"1,2,3, chụp... 4,5,6, chụp... 7,8,9, chụp..." ở đoạn "1,2,3, chụp" nếu còn hơi cứng thì tới lần "7,8,9, chụp" họ sẽ thư giãn hơn một chút.
Sắp xếp nhóm
Hãy nghĩ ra một lý do để mọi người tập trung nhanh chóng.
MẸO:
Một câu nói rất hữu ích để bạn sử dụng và nói với mọi người: "Nếu bạn có thể nhìn thấy máy ảnh, bạn cứ yên tâm sẽ không bị che khuất mặt".
Người chụp ảnh luôn nghĩ cách tạo hứng khởi và thiện cảm cho cả nhóm sẽ giúp không khí chụp vui vẻ và thoải mái hơn.
9. Dành cho nhóm lớn
Với nhiều nhóm lớn lên tới vài chục người hoặc hơn nữa, sẽ rất khó có thể chụp đủ hết các khuôn mặt dù cho bạn chia thành nhiều hàng rõ ràng, cao thấp cụ thể.
Một giải pháp cho vấn đề này là hãy nâng vị trí đứng của nhiếp ảnh gia. Hãy sử dụng một cái thang để đứng lên, kiếm một cái ghế cao, leo lên cây, có khi bạn cần phải lên tầng 2 để chụp xuống. Khi đứng ở vị trí cao hơn, bạn cũng có một góc chụp khá lạ và thú vị, khuôn mặt mọi người khi ngước lên mắt cũng mở to hơn, khuôn mặt cũng thanh thoát hơn (người mập sẽ không thấy nọng cằm).
Chụp nhóm lớn từ trên cao
Chụp từ trên cao cho góc nhìn mới lạ và thấy rõ mặt mọi người hơn.
10. Sử dụng chân máy (tripod)
Chân máy là vật dụng hữu ích nếu bạn muốn có mặt mình trong ảnh và cũng chống rung tốt hơn so với cầm chụp bằng tay. Một số lý do tại sao bạn nên chụp ảnh nhóm bằng tripod:
- Chân máy sẽ trông rất "hoành tráng", sẽ thu hút sự chú ý của mọi người và họ cảm thấy rằng bạn chuyên nghiệp hơn hẳn.
- Có thêm chân máy sẽ giúp nhiếp ảnh gia tự do để giúp mọi người tạo dáng.
- Nếu bạn cũng muốn có mặt trong bức ảnh, chân máy là vật dụng rất cần thiết. Thiết lập khung hình, lấy nét, cài đặt chế độ hẹn giờ và chạy nhanh vào vị trí đã định nhé!
11. Thêm người hỗ trợ
Nếu bạn chụp một nhóm rất lớn, là người được thuê chụp hoặc bạn chẳng quen ai trong nhóm. Khi đó bạn nên nhờ sự hỗ trợ của người trong nhóm để tổ chức sắp xếp. Ví dụ trường hợp bạn chụp ảnh cưới, một tấm ảnh chung cô dâu chú rể và hai bên gia đình, bạn hãy yêu cầu cô dâu chú rể gọi một thành viên gia đình, người có thể nhận biết hết thành viên, đảm bảo không bỏ sót ai. Nếu đây là người có uy tín, lời nói có trọng lượng cao thì càng tốt, bạn sẽ không phải mất nhiều thời gian tập trung mọi người.
Hãy sớm xác định ai là trưởng nhóm để có sự hỗ trợ tốt nhất, hãy nói chuyện trước với họ, đôi khi bạn còn được hỗ trợ nhiều hơn dự kiến.
Khi được mời chụp ảnh gia đình thì bạn nên nhờ sự trợ giúp để không bỏ sót thành viên nào
12. Luôn giữ thái độ tích cực
Điều này cũng đã đề cập ở phần 8, nhưng nó cũng rất quan trọng nên cần phải nhắc lại thành ý chính. Hãy luôn vui vẻ và mỉm cười, tận hưởng quá trình ghi lại khoảnh khắc của cả nhóm. Nụ cười của người bấm máy cũng khiến cho những người bạn chụp cảm thấy thoải mái hơn, họ "tự nhiên" hơn, tạo dáng cũng nhiều hơn và tất nhiên cũng sẽ làm ảnh của bạn đẹp hơn.
Theo Camerabox
>> Có thể bạn quan tâm
-
7 lý do nên chụp chân dung với ánh sáng tự nhiên thay cho đèn flash
-
Hướng dẫn chụp chân dung gia đình ngọt ngào, đáng nhớ dành cho các nhiếp ảnh gia
-
[Video] Bạn có mắc phải 5 lỗi lớn về bố cục trong sáng tác ảnh?
-
[Video] Chia sẻ bí quyết chụp ảnh trẻ em của Elena Shumilova