Độ khó: Cơ bản
Yêu cầu: Không có gì
Mô tả: Chắc hẳn gần như 100% trong chúng ta đều trải qua giai đoạn mới tập tọe với nhiếp ảnh: Bạn có thể cầm một chiếc máy xịn đến hàng trăm triệu, lens vài nghìn $, chụp mẫu xinh chưa từng thấy trong đời bạn. Sau đó về nhà, bạn vò đầu bứt tai khi cả trăm tấm ảnh đều vứt hết vào sọt rác! Giờ biết ăn nói với mẫu sao đây? Để tránh tình huống khó này, hãy bỏ chút thời gian để lướt qua bài viết dưới đây bạn nhé.
Với những nhiếp ảnh gia dày dạn kinh nghiệm, họ là bậc thầy trong bố cục, và họ cũng thường xuyên phá vỡ các quy tắc để sáng tác ra những tấm ảnh rất "phiêu". Tuy nhiên với những người mới vào nghề như chúng ta, cách tốt nhất để có ảnh đẹp vẫn là nên tuân theo những quy tắc kinh điển đã nằm trong sách giáo khoa từ hàng trăm năm qua. Sau đây Duytom sẽ điểm qua các quy tắc vàng này nhé
1. Điểm quan trọng trong bức ảnh
Trong mỗi bức ảnh đều có một điểm trọng tâm mà khi lướt qua, người ta sẽ nhìn thẳng vào đó trước tiên. Trong chụp chân dung, đó chính là ĐÔI MẮT! Duytom nhấn mạnh viết hoa rằng: ĐÔI MẮT là chủ điểm quan trọng nhất trong chụp chân dung! Vì vậy, trong mọi trường hợp, bạn sẽ phải lấy nét vào đôi mắt, đặt đôi mắt vào trung tâm bức ảnh. Nếu đôi mắt bị mờ thì cả tấm ảnh sẽ mờ tịt theo, không cần biết mọi thứ còn lại nét đẹp như thế nào.
Đôi mắt luôn là điểm quan trọng nhất trong bức hình chân dung
Ví dụ về focus sai: Đôi mắt bị mờ sẽ làm cả bức ảnh bị mờ theo
2. Bố cục giữa tâm bức ảnh
Bố cục này là bố cục kinh điển và rất an toàn. Bạn đặt người mẫu vào đúng tâm bức ảnh, và như thế kiểu gì bức ảnh cũng không tạo cảm giác bị sai.
Bố cục giữa tâm bức ảnh luôn rất an toàn
Bố cục giữa tâm nhiều khi rất cần thiết, ví dụ trong chụp kỷ yếu từ 2 người trở lên chẳng hạn.
3. Bố cục 1/3
Bố cục 1/3 là loại bố cục kinh điển khác. Nguyên tắc là chia ảnh thành 9 phần bằng nhau như hình dưới. Các điểm giao nhau là điểm quan trọng, các đường thẳng chia 1/3 ảnh là đường quan trọng. Mắt người sẽ bị thu hút vào các đường và điểm đó một cách tự nhiên. Chúng ta đặt các chi tiết cần nhấn mạnh vào đó, ví dụ đôi mắt, người mẫu, đường chân trời...
Đôi mắt người mẫu nằm ở điểm quan trọng, người mẫu được bố trí ở 1/3 bức ảnh nằm trên đường quan trọng
Bố cục 1/3 giúp người xem có cảm giác tự nhiên, dễ chịu và cân bằng. Nếu các bạn để ý khi xem phim, các bạn sẽ thấy diễn viên thường xuyên được bố trí ở 1/3 màn hình, chứ không phải chính giữa.
Bố cục 1/3 rất phổ biến trong phim ảnh. Trong hình ảnh này, diễn viên được bố trí ở điểm 1/3 góc dưới bức ảnh
4. Quy luật về khoảng trống
Quy luật khoảng trống để tránh ảnh có cảm giác bị TÙ TÚNG. Ví dụ các trường hợp sau:
- Chụp ảnh vận động viên đua xe đạp, bạn hãy để khoảng trống để anh ấy có thể "tiến tới", đừng để người chuyển động "đâm" vào rìa bức ảnh
Hãy để khoảng không gian rộng đằng trước để anh ý có thể "tiến tới"
Bố cục sai khi để vận động viên "đâm vào rìa ảnh"
- Chụp ảnh chân dung người mẫu: hãy để khoảng trống để cô ấy "nhìn", đừng để cô bé "nhìn" vào rìa ảnh
Hãy để khoảng trống để người mẫu nhìn
Không nên để người mẫu "đập mặt" hoặc ngắm vào rìa ảnh như này!
Trong mọi trường hợp, nếu bạn không để khoảng trống này, ảnh sẽ có cảm giác rất chật chội, tù túng.
5. Bố cục theo đường thẳng
Mắt người có xu hướng dõi theo đường thẳng một cách tự nhiên. Vì vậy ta có thể dùng những đường thẳng để dẫn người xem tới chủ để bức ảnh. Phổ biến nhất trong chân dung, đó là tìm những đường thẳng tự nhiên như lề đường, hàng cây, thanh ray đường sắt... và đặt người mẫu trên các đường thẳng đó.
Bố cục người mẫu trên đường thẳng
Lưu ý: Nếu bạn có 2 đường thẳng hội tụ trong một khung hình, ví dụ 2 hàng cây, tránh đặt người mẫu thẳng vào điểm hội tụ. Nó làm mất chiều sâu bức ảnh. Thay vào đó, hãy đặt người mẫu lên một đường thẳng sao cho điểm hội tụ không bị chắn.
Bố cục cần tránh: người mẫu chắn mất điểm hội tụ của 2 hàng cây
Bố cục đúng: Đặt người mẫu lên một đường thẳng, để lộ điểm hội tụ để bức ảnh có chiều sâu
6. Bố cục theo khuôn mẫu lặp lại
Mắt người có xu hướng bị cuốn hút tự nhiên bởi những khuôn mẫu lặp đi lặp lại. Vì vậy những khung cảnh lặp lại sẽ tạo hình nền thú vị cho bức ảnh chân dung của bạn, ví dụ cánh đồng hoa, lá cây,...
Khuôn mẫu lặp đi lặp lại như cửa hàng mũ trên đây là hình nền khá thú vị
7. Bố cục dạng khung
Bạn có thể tăng chiều sâu bức ảnh bằng những chiếc khung tự nhiên như ô cửa sổ, cây cối, hoặc bất kỳ thứ gì làm thành khung xung quanh người mẫu của bạn
9. Quy luật về sự đơn giản
Trong cuộc sống hàng ngày, sự đơn giản luôn là quy tắc vàng. Và khi chụp chân dung cũng không phải ngoại lệ. Những tấm hình đám đông phức tạp rắc rối cần con mắt và đầu óc bậc thầy để có bố cục đẹp. Mới bắt đầu chụp, chúng ta hãy làm sao để tấm hình càng đơn giản càng tốt.
Tấm hình đơn giản với 1 người mẫu, bố cục 1/3, hình nền là thảm hoa tím đồng nhất
Tổng kết
Đây là những nguyên tắc kinh điển trong sách giáo khoa và đã được hàng triệu nhiếp ảnh gia kiểm chứng. Khi mới bắt đầu với nhiếp ảnh, các bạn hãy áp dụng các quy tắc này và một điều chắc chắn rằng, chất lượng bức ảnh của các bạn sẽ cải thiện hơn nhiều. Sau này, khi đã thuần thục, chúng ta có thể "phiêu" và sáng tạo tùy thích.
Comment
{fcomment}