RAW vs JPEG: Giải thích sự khác biệt dễ hiểu giữa hai kiểu file ảnh chỉ với một hộp ngũ cốc

Hầu hết các camera mirrorless và DSLR đều cho phép bạn chụp các tệp JPEG, RAW hoặc cả hai cùng một lúc. Tuy nhiên sẽ có nhiều người băn khoăn nên chọn loại file nào khi chụp ảnh cho thích hợp. Video này sẽ phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai định dạng trên để giúp bạn có lựa chọn theo từng mục đích sử dụng.

Dưới đây là video giải thích đơn giản và sáng tạo của kênh pal2tech rất dễ hiểu về hai định dạng file ảnh phổ biến này sẽ giúp các bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về nhiếp ảnh có thể áp dụng tốt nhất trong quá trình tác nghiệp:

 

 

 

>> Thủ thuật dịch phụ đề tiếng Việt cho mọi video trên Youtube

 

Trong video, tác giả đã dùng một chiếc máy ảnh Fujifilm XT4 để thử nghiệm vì chiếc máy này cho phép người dùng có thể chọn một lúc hai định dạng ảnh RAW & JPEG.

JPEG

Tệp JPEG là một file ảnh hoàn chỉnh được camera của bạn chụp lại tại thời khắc bấm nút. Hầu hết các máy ảnh đều có một Menu để người dùng có thể tùy chỉnh trước các cài đặt như màu sắc, độ nét, khẩu, tốc độ... trước khi chụp. Sau khi các thông số đó được đặt, máy ảnh sẽ áp dụng các cài đặt này cho ảnh JPEG cuối cùng trước khi nó được lưu vào thẻ SD.

Để giảm kích thước ảnh và giúp file dễ tương thích hơn với các trình duyệt, máy ảnh của bạn sẽ loại bỏ những dữ liệu màu không liên quan và các thông tin khác về bức ảnh trước khi lưu lại. Sau khi vứt bỏ, thông tin từ cảm biến đó sẽ bị mất vĩnh viễn.

Hãy nhớ rằng từ lần đầu tiên bạn chụp, cài đặt hình ảnh lúc đầu của máy ảnh (độ sắc nét, màu sắc, v.v.) đã được đưa vào bức file JPEG. Hầu hết mọi ứng dụng phần mềm người dùng hiện nay đều có thể đọc/mở tệp JPEG để xử lý hậu kỳ như cắt xén và điều chỉnh độ phơi sáng... Tuy nhiên, một khi bạn thực hiện các điều chỉnh và lưu hình ảnh của bạn trở lại dưới dạng tệp JPEG, chất lượng sẽ bị giảm. 

RAW

Không giống như JPEG, tệp RAW hoàn toàn không đơn giản chỉ là một bức ảnh. Nói một cách ngắn gọn, nó là một khối dữ liệu nhị phân đại diện cho những gì cảm biến máy ảnh của bạn ghi lại tại thời điểm chụp.

Bạn cần phần mềm như Lightroom, Photoshop hoặc Capture One để có thể đọc và chuyển đổi tệp dữ liệu này thành thứ mà người dùng cuối có thể xem được và chia sẻ lên mạng xã hội hoặc gửi cho khách hàng.

Xét về kích thước ảnh, tệp RAW cũng lớn hơn rất nhiều so với JPEG. Đó là vì nó chứa tất cả dữ liệu trực tiếp từ cảm biến hình ảnh của camera, và cũng bao gồm nhiều thông tin khác. Để cho dễ hiểu, hãy xem tác giả video trên so sánh nó với một hộp ngũ cốc. Đặc biệt hơn là một hộp Froot Loops xem nhé!

 

Ví như toàn bộ hộp ngũ cốc là tệp RAW thì:

1. Các màu sắc khác nhau của hạt ngũ cốc chính là dữ liệu cảm biến thực tế. Và dữ liệu này có thể được xử lý chi tiết hơn trong hậu kỳ so với dữ liệu của tệp JPEG. Ví dụ, bạn có thể lấy ra tất cả các hạt ngũ cốc màu xanh lá cây và xanh lam rồi cho vào từng bát riêng. Điều này chỉ có thể thực hiện với tệp RAW và sẽ mang lại kết quả tốt hơn là JPEG.

2. Thanh bên cạnh hộp là siêu dữ liệu (metadata) RAW. Hãy coi đây là bộ tổng hợp thông tin các dữ liệu liên quan các thành phần cấu thành lên bức ảnh như ống kính được sử dụng, ngày chụp ảnh, cài đặt ISO, v.v.

3. Bên trong hộp, đi kèm với ngũ cốc dữ liệu cảm biến hình ảnh của máy ảnh, là hình ảnh JPEG “xem trước” có độ phân giải thấp hơn, kích thước nhỏ hơn. Hình ảnh JPEG này, có thể được sử dụng bởi các chương trình khác nhau, sẽ hiển thị cho bạn bản xem trước của file RAW một cách nhanh chóng để giúp tạo điểm tham chiếu để bắt đầu quá trình chọn lọc và chỉnh sửa ảnh của mình. Bạn hãy xem video ở trên để có cách tiếp cận thực tế hơn về sự tương tự mà tác giả ví dụ so sánh với hộp ngũ cốc.

JPEG so với RAW

Vì vậy, với sự phức tạp và thường xuyên tốn thêm thời gian và không gian lưu trữ cần thiết để xử lý các tệp RAW, bạn có nên bận tâm khi chụp ở định dạng đó không? Tại sao không chỉ sử dụng JPEG, hiểu được điều này thì bạn sẽ biết được mình có cần chụp ảnh ở định dạng RAW hay không để khỏi tốn dung lượng và thời gian nếu không cần thiết cho mục đích chụp ảnh.


Trừ khi bạn có lý do rất cụ thể để chỉ chọn chụp ở định dạng JPEG, thì tôi thực sự khuyên bạn nên thiết lập chụp cả ở định dạng RAW. Trong thực tế, bất kể thế nào, tôi luôn chụp ở cả RAW và JPEG. Tôi đề xuất ba lý do cho điều này.

1. Đầy đủ dữ liệu cảm biến hơn để làm việc nếu cần hậu kỳ 

Với tệp RAW, bạn sẽ đầy đủ dữ liệu cảm biến để chỉnh sửa ảnh dễ dàng và thực hiện nhiều công việc hậu kỳ chi tiết khác cho bức ảnh. Một trong những lý do quan trọng nhất để chụp RAW là giữ lại thông tin màu sắc. Để biết các ví dụ về lợi thế này, cũng như khả năng phục hồi vùng sáng/bóng/màu, hãy xem video trên sẽ chứng minh điều này.


2. Bạn sẽ phát triển kỹ năng tốt hơn


Với tư cách là một nhiếp ảnh gia, bạn cần phát triển kỹ năng của mình ngày một tốt hơn, khả năng hậu kỳ ảnh ngày một "lên tay" và sẽ có được con mắt phê bình tốt hơn với những bức ảnh của mình và đôi khi bạn sẽ muốn xem lại những công việc thực hiện của mình trong quá khứ.

Sở hữu tệp RAW với tất cả thông tin cảm biến của máy ảnh sẽ cho phép bạn xem lại đầy đủ thông tin các bức ảnh đã chụp và cung cấp cho bạn hình ảnh chất lượng tốt nhất có thể để áp dụng các kỹ năng mới vào xử lý.

3. Phần mềm xử lý RAW ngày càng cải thiện

Các nhà phát triển phần mềm sẽ tiếp tục phát hành các bản cập nhật và phiên bản mới cho các chương trình xử lý RAW của họ, như Lightroom chẳng hạn. Những bức ảnh bạn chụp ở định dạng RAW hôm nay thực sự có thể trông đẹp hơn khi bạn chạy chúng thông qua một bộ xử lý phần mềm được cập nhật vào một thời điểm nào đó trong tương lai không xa. Đương nhiên, ảnh của bạn thực sự có thể cải thiện chất lượng theo thời gian nhờ những bộ xử lý RAW ngày càng tân tiến.

Chi phí để chụp RAW?


Tệp RAW cần nhiều dung lượng ổ cứng hơn, vì thế chụp nhiều ảnh RAW thì đương nhiên bạn cũng phải chuẩn bị bộ ổ cứng (cả trong lẫn ngoài) với khả năng lưu trữ lớn nếu như thường xuyên đi chụp ảnh.

Như vậy, đối với một số nhiếp ảnh gia, nếu tốc độ là tên của trò chơi thì các tệp JPEG là con đường nhanh nhất có thể giữa chụp và xử lý ảnh. Ngoài ra, đối với các bức ảnh chụp liên tục với các hành động ở tốc độ cao, máy ảnh của bạn thường sẽ xử lý tệp JPEG nhanh hơn so với tệp RAW.

Giới thiệu về tác giả: Chris Lee là một nhiếp ảnh gia, nhà đào tạo kỹ thuật, nhà biên tập video ở khu vực Atlanta, người đã tạo ra kênh YouTube pal2tech với rất nhiều hướng dẫn nhiếp ảnh hay và hữu ích. 


 

Related Articles