[Video] 5 sai lầm người mới chụp phong cảnh thường mắc phải

Bonciu là nhiếp ảnh gia kỳ cựu chuyên về phong cảnh & du lịch. Anh đã tổng hợp kinh nghiệm trên kênh YouTube của mình sau nhiều năm chụp ảnh với 5 điểm chung mà các nhiếp ảnh gia mới vào nghề thường mắc phải. Mời bạn xem video dưới để tham khảo chia sẻ của Bonciu về từng sai lầm.

 

Sai lầm 1: Chụp ở định dạng JPG thay vì chụp RAW 

Bonciu nhớ lại những trải nghiệm của chính mình khi lần đầu tiên chuyển từ JPG sang RAW và anh nói: "Chụp ảnh dạng file JPG, bạn thực sự thiếu một cái gì đó rất lớn". Chụp ảnh RAW giúp bạn có thể điều chỉnh lại mọi tham số như cân bằng trắng, tông màu... giống như bạn được đứng lại chỗ đó một lần nữa. Quá tuyệt phải không?

 

Sai lầm 2: Nhiều người nghĩ rằng các thiết bị đắt sẽ mang lại hình ảnh tốt hơn 

Ngoài cảnh quan đẹp thì cách chụp ảnh từ ý tưởng cho tới cách setting và chọn góc chụp của nhiếp ảnh gia đều đóng vai trò quan trọng để có được một tác phẩm đẹp và ý nghĩa. Bonciu trích dẫn câu nói của Ansel Adams: "Không có gì tồi tệ hơn một bức ảnh sắc nét sinh ra từ một ý tưởng mờ nhạt". Gear xịn không chắc đem lại ảnh đẹp nếu bạn không biết cách truyền tải. 

 Ansel Easton Adams (20 tháng 2 năm 1902 – 22 tháng 4 năm 1984) là một nhà nhiếp ảnh và nhà bảo tồn thiên nhiên người Mỹ. Ông được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm ảnh đen trắng khắc họa miền Tây nước Mỹ đặc biệt là Vườn quốc gia Yosemite. Nhiều bức ảnh của Ansel Adams như The Tetons and the Snake River đến nay vẫn được coi là kiệt tác của nghệ thuật nhiếp ảnh Hoa Kỳ và thế giới. Ông đồng thời cũng là một trong ba người sáng lập Nhóm f/64, sau này là Ban nhiếp ảnh của Museum of Modern Art.

Ông là người đi tiên phong của kỹ thuật zone system nhằm nâng cao khả năng kiểm soát của các nhà nhiếp ảnh đối với chất lượng nghệ thuật của các bức ảnh. Năm 1980 ông đã được trao Huân chương Tự do Tổng thống, phần thưởng dân sự cao quý nhất của nước Mỹ, ông cũng được trao bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Harvard và Đại học Yale cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Tác phẩm Snake River and Grand Tetons của ông đã được chọn vào trong danh sách 150 bức ảnh về Trái Đất do Đĩa ghi vàng Voyager lưu trữ để phóng vào vũ trụ. (Trích wikipedia)

 

Sai lầm 3: Không quan tâm đến ánh sáng 

"Hãy học cách nhận ra điều tuyệt vời từ ánh sáng tự nhiên và setting sao cho nổi bật các tông màu tự nhiên trong cảnh quan lúc đó " Bonciu nói. Ánh sáng là điều tối quan trọng, vì vậy bạn cần học cách chọn thời gian chụp, địa điểm chụp, góc chụp để ánh sáng đẹp nhất. Với những người chụp phong cảnh, không thể bỏ qua giờ vàng là bình minh và hoàng hôn 

Tham khảo cách thiết lập Picture Style chỉnh màu cho máy khi chụp phong cảnh trên Canon 80D:

Sai lầm 4: Chụp chủ đề nhưng không biết cách truyền tải 

Bonciu trích dẫn lời của Ansel Adams: "Nhiếp ảnh phong cảnh là bài kiểm tra cao nhất dành cho một nhiếp ảnh gia - và thường mang về sự thất vọng lớn nhất.". Rất nhiều người thấy chủ đề hay nhưng không biết cách chọn góc chụp đẹp để truyền tải lại cảm xúc cho người xem. Việc học cách bố cục, xử lý màu sắc sẽ khiến ảnh bạn thay đổi lớn về chất lượng 

 

Sai lầm 5: Không hiểu một tấm ảnh chất lượng là như thế nào

Khi bạn mới học nhiếp ảnh, với bạn hầu như ai cũng là người chụp giỏi: một người review máy ảnh, người bán máy ảnh, hay một ai đó có tấm ảnh hơn 100 like trên Facebook... Sự thật không phải như vậy. Bạn hãy theo một người có những tấm ảnh có hồn, có câu chuyện để kể. Lời khuyên của Bonciu: "Hãy nghiên cứu những bức tranh cổ, đây là nguồn tham khảo rất tốt về cách thể hiện chủ đề, bố cục và ánh sáng"

Nếu bạn thích nhiếp ảnh gia này, hãy xem kênh YouTube của anh để biết thêm nhiều mẹo chụp ảnh phong cảnh và du lịch hữu ích khác như: cách chụp cảnh đẹp trong sương mù, 25 ý tưởng & mẹo chụp phong cảnh... 

>> Tham khảo thêm: Hướng dẫn kỹ thuật chụp Focus Stacking ảnh phong cảnh của Michael Breitung

Tham khảo Toma Bonciu & Shutterbug

Related Articles