Nghệ thuật nhiếp ảnh và khả năng trị liệu tâm lý

Mọi hình thức trị liệu tâm lý đều xoay quanh vấn đề cốt lõi là khiến người tham gia thông cảm cho bản thân mình và nhận thức cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Nhiếp ảnh cũng là một liệu pháp như vậy.

Nguồn: Curious History 

Thế giới này sẽ thế nào nếu năm 1816 ấy Nicéphore Niépce không tìm ra những nền tảng đầu tiên của nhiếp ảnh và để rồi từ đó phát triển thành những chiếc máy ảnh như ngày nay? Có thể nói những chiếc máy ảnh được sinh ra để làm cho thế giới này tốt đẹp và nhiều màu sắc hơn. Và nhiếp ảnh, bên cạnh tư cách là một hình thức nghệ thuật, còn là một ngôn ngữ mới của nhân loại, là cách chúng ta bày tỏ những suy nghĩ, xúc cảm. Ngày nay, bằng nhiều lý do, bên cạnh những tính năng nghệ thuật, nhiếp ảnh còn đang dần dần trở thành một phương thức trị liệu tâm lý cá nhân.

Trị liệu của nhiếp ảnh thường là liệu pháp dành cho những cá nhân tìm kiếm sự cân bằng cảm xúc hoặc phục hồi tâm lý sau những biến cố, trải nghiệm khó khăn. Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc chụp và nhìn ngắm những tấm ảnh được cho là có khả năng xoa dịu và mang lại những kết quả trị liệu tương tự những phương thức điều trị khác. Việc diễn đạt cảm xúc của bệnh nhân tâm lý được cho là thường trở nên khó khăn hơn sau những vấp ngã, vì vậy nhiếp ảnh là một người bạn, một ngôn ngữ hữu ích.

Có 2 phương thức trị liệu tâm lý bằng nhiếp ảnh phổ biến hiện nay; đó là nhiếp ảnh trị liệu và quang trị liệu (trị liệu quang tuyến).

Nhiếp ảnh trị liệu


Nguồn: Techprone

Đây là phương pháp trị liệu dựa trên hoạt động tự sáng tạo cúng như tự nghiên cứu về thuật nhiếp ảnh, thường được thực hiện dưới dạng trị liệu nhóm. Cụ thể, cá nhân hoặc một nhóm sẽ tham gia các hoạt động và dành thời gian để sáng tạo, học hỏi nhiếp ảnh cùng nhau. Hình thức trị liệu này có ít hoặc hầu như không có sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý, tự bản thân các hoạt động nhiếp ảnh sẽ đóng vai trò điều trị chính.

Các hoạt động trị liệu ở đây không chỉ thiên về chụp ảnh mà còn bao gồm nhìn ngắm những bức ảnh nổi tiếng, thảo luận về nhiếp ảnh và chia sẻ tư duy hình ảnh cá nhân.

Quang trị liệu


Nguồn: Techprone

Trị liệu quang tuyến là hình thức sử dụng những hình ảnh cá nhân, thường liên quan đến một kỷ niệm nào đó của bệnh nhân, để giúp người bệnh tái thiết lập điều khiển khả năng cảm nhận và bộc lộ cảm xúc.

Những tấm ảnh được lựa chọn với tiêu chí kích thích cảm xúc (tích cực, tiêu cực) của người bênh, tái hiện ký ức, thúc đầy người bệnh bộc lộ, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm hoặc thậm chí là nhớ lại những mốc thời gian trong quá khứ. Nhiều hình thức nhiếp ảnh hoặc trị liệu khác có thể được sử dụng song song trong quá trình này, bao gồm cả phương pháp nhiếp ảnh trị liệu.

Sức mạnh của nhiếp ảnh trị liệu


Nguồn: Blogspot

Có thể kể ra nhiều hiệu quả đáng cân nhắc để hiểu được sức mạnh nhiếp ảnh trị liệu mang lại. Trong trường hợp này, thuật nhiếp ảnh cũng như các kỹ thuật vật lý trị liệu hoặc phục hổi chức năng, giúp người bệnh hồi phục từng chút mỗi ngày và dù không thể hoàn toàn nhưng sẽ dần dần trở về trạng thái ổn định.

Vấn đề ở đây chắc chắn không phải nằm ở việc những tấm ảnh được chụp ra có xuất sắc hay không. Giá trị cốt lõi nằm ở quá trình chúng ta giao tiếp với chiếc máy ảnh và từ đó, giao tiếp với thế giới xung quanh. Có cả thế giới rộng lớn đằng sau chiếc máy ảnh mà thông qua ống kính, người bệnh có thể nhìn ngắm và tìm lại được vẻ đẹp của cuộc sống.

Nguồn: Techprone

Dưới đây là 5 hiệu quả mà nhiếp ảnh trị liệu có thể mang lại

1. Nhiếp ảnh có thể cho chúng ta cơ hội nhìn ngắm thế giới tươi đẹp và trực diện hơn. Nó cho người chụp cảm giác họ đang gần gũi với những thứ xung quanh và đang thật sự đang là một phần của cuộc sống này, thay vì bị bó buộc trong những suy nghĩ tự vệ cá nhân. Cũng nhờ vậy, chúng ta sẽ bắt đầu lưu ý những chi tiết, những biến động nhỏ của cuộc sống và học cách chia sẻ, nắm bắt tâm lý những người xung quanh. Từ đó, cuộc sống không còn bị bó gọn trong những nỗi buồn quá khứ hoặc suy nghĩ vị kỷ.

2. Việc chụp ảnh còn là một cơ hội để chúng ta học được cách bộ lộ suy nghĩ bản thân và xếp gọn những mảnh ghép ngổn ngang trong tâm trí. Những vấn đề tâm lý có xu hướng trầm trọng hơn vì người bệnh thường mất đi khả năng bộc lộ cảm xúc cho người bên cạnh thấu hiểu. Nhiếp ảnh một phần sẽ giúp khắc phục vấn đề này.

3. Nhiếp ảnh, như đã nói ở trên, khiến chúng ta tập trung hơn vào mọi giác quan, nghe, nhìn, quan sát và cảm nhận cuộc sống. Mọi hình thức trị liệu tâm lý đều xoay quanh một bản chất khiến người tham gia thông cảm cho bản thân mình hơn và nhận thức cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Nhiếp ảnh cũng tương tự như vậy.

4. Cũng như các hoạt động ngoại khóa khác, nhiếp ảnh khuyến khích người tham gia phải ra ngoài và tương tác với xã hội nhiều hơn, từ đó giảm triệu chứng sợ đám đông, xa lánh cộng đồng. Chính chúng ta thông qua nhiếp ảnh sẽ tự đẩy bản thân mình ra ngoài, đi nhiều nơi hơn, gặp gỡ nhiều người hơn và bắt đầu sẻ chia với ít sự ngần ngại hơn.

5. Cuối cùng, làm quen với nhiếp ảnh nhiều khả năng kích thích tố chất nghệ thuật và sáng tạo bên trong con người mỗi chúng ta. Quá trình trị liệu kết hợp với khám phá và phát triển bản thân, nhiếp ảnh hoàn toàn đáp ứng được cho người bệnh những yêu cầu ấy.

 

Theo ElleMan

Related Articles