Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi tài năng đầy đam mê Chu Việt Hà - một chàng trai Hà Nội năng động, nhạy bén mỗi khi xuất hiện trên talkshow lớn có lẽ nhiều người tham dự đều thấy được nhiệt huyết, hăng say với nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh đường phố trong lời nói và đôi mắt của anh.
Nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà
Có lẽ, ai cũng hiểu nghề nào hay sở thích nào theo đuổi lâu cũng có cái khó, cái nhọc nhằn riêng. Chắc chắn cũng sẽ có nhiều bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này đã biết đến anh từ lâu và cũng muốn nghe về những trải nghiệm, niềm vui, sự vất vả trong quá trình tác nghiệp, sống với đam mê chụp ảnh đường phố của riêng anh.
Là một X-photographer có tiếng, nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà hẳn sẽ có nhiều kỷ niệm và kinh nghiệm quý về những khám phá đáng nhớ. Hơn nữa, những chia sẻ của anh sẽ giúp các fan mở rộng thêm góc nhìn qua nhiều năm tác nghiệp.
Cũng vui & rất có duyên là DuyTom tình cờ được gặp anh trong nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau nên được hiểu sâu sắc hơn về anh và thêm yêu mến nhiếp ảnh gia này. Hy vọng buổi phỏng vấn chia sẻ cùng anh sẽ giúp các bạn hiểu thêm nhiều điều về thể loại nhiếp ảnh độc đáo này.
-
Hành trình anh đến với nhiếp ảnh từ đâu và nhân duyên nào đã đưa anh trở thành đại sứ của Fujifilm vậy?
Chào bạn, rất cảm ơn kênh DuyTom đã mời mình phỏng vấn này!
Hành trình đến với nhiếp ảnh của mình chắc cũng đơn giản như bao người cầm máy khác. Mình tương đối thích chụp hình từ hồi mình còn là sinh viên, nhưng chỉ đơn giản chụp bằng điện thoại cục gạch thời đó, rồi sau mượn được chiếc máy ảnh du lịch để chụp và hầu hết lúc đó là thích gì chụp đó và chụp bạn bè…
Nhưng đến 2014 mình cũng may mắn khi đã sở hữu một chiếc máy DSLR đầu tiên trong đời. Mình được tặng, nên lúc đó thật sự rất háo hức để chụp hình, lúc này mới bắt đầu tìm hiểu về máy ảnh… Và rồi, từ một người không biết gì, mình đã chập chững những bước đi với Nhiếp ảnh từ đó.
Dần dần, khi mình bắt đầu với nhiếp ảnh đường phố. Mình đã tìm hiểu và có thể lúc đó một vài idol của mình thời đó dùng Fujifilm nên mình đã đổi hệ luôn. Và khi dùng Fujifilm làm chiếc máy chính để chụp hình đường phố mình cảm thấy nó dành cho mình… Mình cũng không nghĩ có một ngày sẽ làm đại diện thương hiệu của một hãng máy ảnh như Fujifilm. Lúc đó quan điểm của mình là chụp, và chụp, chụp cho thoả cái sức của mình thôi.
-
Vì sao anh yêu thích và chọn phong cách chụp ảnh đường phố? Và anh ngưỡng mộ nhiếp ảnh gia (NAG) nổi tiếng nào trên thế giới ? Anh nhìn thấy những ưu điểm gì hay ở họ?
Mình chọn ảnh đường phố cũng đơn giản lắm. Như trên mình nói khi mình được sở hữu chiếc máy ảnh đầu tiên. Mình đã chụp rất nhiều chụp đủ thể loại… Tuy nhiên, mình nghĩ rằng mình cần học thêm về nhiếp ảnh để có thể làm chủ thiết bị nhiều hơn. Mình quyết định ra phố để tự học. Rồi, mình bị cuốn bởi cuộc sống của những con người trên phố… Mình say với nó. Và mình nhận ra mình hợp với nó.
Nhiếp ảnh gia đường phố thế giới mình ngưỡng mộ thì không ít. Mỗi một thời gian mình lại thích một kiểu :) như Alex Webb bác ấy có cái nhìn về Layer, màu sắc thực sự 'rất đã'. Hoặc một NAG hiện đại như Matt Stuart có mắt nhìn rất thức thời, gần xu thế nhiếp ảnh đường phố hiện đại. Ngoài ra, rất nhiều NAG ở Magnum mình thường xem để lấy cảm hứng chụp phố.
-
Thường thì anh có lên kế hoạch và địa điểm và những ý tưởng trong đầu khi khám phá xung quanh không? Có tình huống nào ấn tượng đối với anh mà vẫn nhớ đến giờ?
Với các điểm như ở Hà Nội thì đến giờ mình thường xuyên ngẫu hứng chụp là chính. Bởi mình thích cái bất ngờ, đôi khi phố xá cứ tính toán nhiều lại chả được gì đâu.
Nhưng cũng có đôi lúc mình có những thứ xác định trước một chút. Ví dụ, hôm trời nắng qúa đẹp. Mình có thể nghĩ ngay đến một điểm nào đó chắc chắn sẽ có gì đó hay ho. Và mình sẽ qua. Chỉ có vậy thôi.
Nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh đường phố nói riêng mình nghĩ tình huống nào cũng sẽ ấn tượng và sẽ là kỉ niệm với nhiếp ảnh gia vào thời điểm đó. Với mình thì hầu hết mỗi bức hình chụp lại, mình đều nhớ đến những khoảnh khắc đó.
Nhưng mình có thể kể đến một trong những khoảnh khắc sâu sắc. Đó là cái buổi đi làm về, mình phát hiện ra trên xe bus có một con gà. Có lẽ do người chủ đã cố tình mang lên mà không có sự đồng ý của bác tài xế. Mình lúc đó đã đuổi theo xe để chụp, kể ra thì thực sự khá nguy hiểm, vì vừa lái xe vừa chụp hình. Nó cũng như bạn lái xe mà xem điện thoại ấy. Và bạn nghĩ đến việc tay bấm máy chính là tay ga của xe máy. Lúc đó mới thấy việc chụp nó vất vả như nào. Mình đã phải đi theo xe khá khá dài để có thể chụp được. Tất nhiên, mình không hề xem lại được bức hình mình chụp. Nên chỉ có chụp chụp chụp, cứ thế cho đến khi mình cảm thấy đã được rồi thôi. Đến giờ mình vẫn không thể quên được ánh mắt con gà nó nhìn ra xe, và cùng lúc người chủ cũng nhìn mình. Có lẽ tất cả đều không hiểu ông này đang làm cái quái gì thế! :D
-
Yêu cầu đối với dụng cụ chụp ảnh mà anh thấy cần nhất mỗi khi tác nghiệp là gì?
Nhiếp ảnh đường phố chắc là thứ nhiếp ảnh đơn giản nhất trong các thể loại nhiếp ảnh. Đó là quan điểm của cá nhân mình nhé. Vì mình nghĩ chỉ cần một thiết bị có thể ghi hình được là ta có thể chụp đường phố được rồi.
-
Người ta thường nói "Nhiếp ảnh đường phố, nhiếp ảnh của sự chân thực!". Tưởng là dễ nhưng lại rất khó để có được những tác phẩm ấn tượng và nhiều ý nghĩa phải không anh?
Cái này đúng bạn nhé! Rất nhiều người cứ nghĩ: Ồ! Nhiếp ảnh đường phố nó đơn giản là ra đường cầm máy chụp thì gọi là nhiếp ảnh đường phố. Nhưng là một người theo đuổi một cách nghiêm túc thì mình nghĩ rằng đó chưa hẳn đúng. Để có một bức ảnh thành công, một bức ảnh đủ thuyết phúc người xem thì bạn cần phải làm nhiều, tập trung nghiêm túc nhiều hơn thế nữa.
-
Có những bức ảnh chụp cảnh đời thường nhưng cái giá trị nó mang đến cho rất rất nhiều người xem lại không hề tầm thường chút nào. Thậm chí có những bức ảnh còn mang sức ảnh hưởng và tác động rất lớn tới xã hội. Chắc chắn trong quá trình tác nghiệp của mình anh sẽ có nhiều kỷ niệm vui buồn đáng nhớ trong cả thời gian dài hoạt động. Anh có thể chia sẻ với độc giả yêu quý mình về những trải nghiệm riêng ấy để có được những bức ảnh giá trị và có sức truyền cảm được không?
Một trong những bức hình mà mình cũng rất thích, một trong những tác phẩm mà đánh dấu bước chân đầu tiên của mình ra ngoài thị trường thế giới đó là bức hình cô bán hàng người dân tộc đang ngủ ở chợ tình Sapa. Phía trên là các du khách đang đứng xem những điều gì đó đang diễn ra ở quảng trường Sapa.
Lúc đó mình cố tình không lấy cả người của các du khách. Mà mình chỉ lấy phần chân của họ. Những đôi chân đều nhau, đứng hướng ra quảng trường… mà cô bán rong người dân tộc vẫn ngon lành ngủ dựa vào bờ đá. Sự đối lập này mình không nghĩ lúc đó lại tạo được ảnh hưởng đến như thế. Rất nhiều người thắc mắc chuyện gì đã và đang diễn ra ở đây. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra… Mình cũng không nghĩ là bức hình được lan toả đến thế. Và bức hình này cũng được triển lãm ở Mỹ trong một vài triển lãm về nhiếp ảnh gia đường phố năm đó.
-
Cách để chọn camera chụp ảnh đường phố tốt thì ta nên lựa theo những tiêu chí nào? Liệu những chiếc máy đời mới luôn là ưu tiên số 1 không?
Tiêu chí chọn camera của mình khi đi chụp phố đó là tiện dụng và nhỏ gọn. Mình thích tiện dụng là bởi sự dễ dàng sử dụng, hoặc mọi thứ thật ít thao tác. Mình khi đi chụp phố thì chỉ muốn tập trung 100% tâm trí vào chụp hình. Chứ không muốn bị phân tâm vào việc Setting hoặc hiệu chỉnh gì quá nhiều ở máy.
Còn nhỏ gọn, bạn thử nghĩ rằng 1 buổi chụp phố bạn đi bao lâu. Nếu vác trên mình những thiết bị nặng thì thực sự bạn sẽ sớm muốn đi uống cafe thôi. Ngoài ra, một ưu điểm rất lớn của thiét bị nhỏ gọn đó là đỡ được sự tập trung hoặc để ý của đối tượng mà bạn muốn chụp. NAG đường phố luôn muốn ẩn mình trong đám đông mà.
Với những máy đời mới thì có cũng rất tốt mà không có cũng chả sao. Tốt vì nó ngày một tối ưu cho chúng ta về khả năng lấy nét, rồi tối ưu màu sắc … Nhưng suy cho cùng, bức ảnh mới là cái quan trọng chất. Nên đừng lo lắng vì thiết bị của bạn không phải đầu bảng hay là là thiết bị mới nhất.
-
Có nhiều lời khuyên nên chọn camera có kích thước nhỏ gọn, ống kính rộng. Theo anh thấy quan điểm này thế nào? Thiết bị Fujifilm mà anh đang dùng cho nhiếp ảnh đường phố là gì và những lý do gì anh chọn chúng?
Như mình đã nói ở trên, hãy sử dụng một thiết bị nhỏ gọn khi đi chụp hình đường phố. Và mình đang dùng Fujifilm chụp phố cũng gần 10 năm rồi. Mình thích Fuji ở điểm các thông số đều show ra bên ngoài hết, nên việc thao tác setup của mình cũng đơn giản lắm. Ngoài ra, cái gọn nhẹ của nó khiến mình vô cùng hài lòng.
Giờ mình đi phố cũng đeo mỗi chiếc máy ảnh thôi không cần mang túi đi nữa. Và một cái nữa, Fuji nó khá nghệ nghệ nên là hầu như khi đi chụp mọi người đều nghĩ có thể không phải máy ảnh chuyên nghiệp nên họ cũng cùng lắm chỉ hỏi mà không quá quan tâm nhiều đến việc mình làm. Và cũng cái nghệ nghệ đó là cái mà mình đến với Fuji. Mình nghĩ một thiết bị mang lại cho ta cái cảm xúc khi bấm máy thì đó cũng là một điểm rất rất quan trọng. Nó tạo động lực cho mình cầm máy nhiều hơn và tất nhiên sẽ chụp nhiều hơn.
-
Khi chụp ảnh đường phố, anh có thường xuyên phải lên kế hoạch và địa điểm, đưa trước những ý tưởng trong đầu để đi khám phá xung quanh hay không? Chủ đề mà anh yêu thích cho thể loại này là những gì vậy thưa anh?
Về ý tưởng thì giả sử mình đi một địa điểm mới thì mình sẽ tìm hiểu nơi đó. Mình tìm hiểu về địa lý, con người và mọi thứ quanh đó. Mình thích khám phá và thích được giao tiếp tại nơi mình đi qua. Nên nếu ngoại trừ Hà Nội thì mình sẽ lên một chút ý tưởng, hoặc có những ý định cơ bản nào đó tại nơi mình sẽ đến.
Chủ đề yêu thích với nhiếp ảnh đường phố của mình đó là những khoảnh khắc độc lạ, hoặc những gì mà rất nhiều khi bạn đã nhìn thấy ở đường phố rồi nhưng bạn lại bỏ qua không ghi lại nó. Rồi chơi ánh sáng trong những ngày nhiều nắng… cuộc chơi ánh sáng luôn mang lại những thứ cảm xúc rất 'đã'.
-
Ai cũng hiểu bản chất của nhiếp ảnh đường phố là tất cả đều đang diễn ra hết sức tự nhiên, không hề có bất kỳ sự sắp đặt nào. Cái hay của những tác phẩm tưởng chừng đơn giản ấy lại được nổi bật lên và ý nghĩa hơn bao giờ hết nhờ sự phát hiện nhanh nhạy và tài tình qua con mắt của mỗi nhiếp ảnh gia qua từng bức ảnh. Vậy theo anh, tố chất cần có của một nhiếp ảnh gia chụp đường phố tài ba là gì? Và, những cái hay cái đẹp của thể loại nhiếp ảnh này khiến anh đam mê và theo đuổi? Cách anh rèn luyện cách cảm thụ con mắt nghệ thuật của mình, cách xử lý các tình huống như thế nào vậy?
Câu hỏi này rất hay! Quan điểm của mình thì mình nghĩ chúng ta không nên chụp những gì gọi là cái xấu, hoặc những gì gọi là bộc lộ hết khuyết điểm của người mà bạn chụp. Bạn cứ nghĩ chụp mẫu đi, bạn xem có mẫu nào thích bạn chụp các góc xấu nhất của họ không? Mẫu họ cũng biết góc mắt đẹp đó chứ. Nhưng với ảnh phố hay ảnh đời sống đôi khi bạn sẽ chụp trước khi bạn xin phép người ta cơ.
Và quan điểm mình sẽ rất hạn chế chụp những thứ về giàu nghèo, bệnh tật, rồi những khiếm khuyết về cơ thể hoặc những gì không bình thường trên một con người… Trừ trường hợp chúng ta có một idea hoặc có 1 khả năng nào đó chụp để nói được những điều gì đó lớn lao…
Về các bạn mới bắt đầu, mình nghĩ rằng trước hết bạn cứ phải yêu phố, yêu cả những thứ trên phố đã. Phải yêu nó bạn mới chụp được nó. Rồi cũng nên xem nhiều hình ảnh của các bậc tiền bối đi trước. Cái này nó sẽ vun đắp tình yêu trong bạn. Ngoài ra, bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều từ những bức hình họ chụp. Và, cứ chụp thật nhiều, phải chụp thì bạn mới biết được mình đang chụp như thế nào. Và sẽ dần hình thành thói quen, góc nhìn của mình được. .. Rồi một cái nữa, đừng cố bắt chước bất kì ai, ảnh chính là con người bạn. Nó nói lên được tâm hồn cũng như con người của người cầm máy. Do đó, hãy chụp theo cảm xúc, theo con người của bạn. Giả sử, bạn là người lãng mạn thì tại sao bạn lại bắt bạn phải chụp những gì đó khù khoằm giật gân. Trừ trường hợp đó là công việc buộc phải làm.
-
Hình ảnh trong sinh hoạt hàng ngày chắc chắn mọi thứ đều diễn ra rất tự nhiên, đơn giản và nhiều khi có thể thô thiển nếu như người chụp không khéo léo. Vậy xin anh cho lời khuyên cho những bạn mới bắt đầu bước chân vào đam mê này nên rèn luyện học hỏi như thế nào để có được những tác phẩm ưng ý và có hồn, có chất riêng?
Tố chất của một NAG đường phố theo mình nghĩ là người biết mang con người mình, cái tôi của mình biến vào từng bức ảnh đường phố của NAG đó. Và cũng cần 1 đôi mắt nháy bén, đôi tay đủ nhanh (nghe như kẻ cắp ấy nhỉ! Haha…) Để ta có thể phân tích được tình huống và bấm máy đủ nhanh để có được một khoảnh khắc ưng ý.
Thể loại NA đường phố này nó hay thú vị bởi sự đơn giản, mộc mạc của nó. Nó không cần phải cầu kì phô diễn. Và điểm thú vị ở đường phố là mỗi ngày nó một khác, ngày hôm nay bạn gặp người ngày, hôm sau có thể gần như bạn sẽ chả bao giờ gặp lại người đó… Nó luôn thôi thúc mình ghi lại nó.
Như ở trên để rèn luyện cách cảm thụ thì mình chỉ nghĩ đơn giản mình phải yêu được phố xá đã. Mình giao tiếp được với những người trên phố đã…. Khi bạn đã quen và làm được tất cả thì bạn sẽ biết được bạn cần làm gì với nó. Lúc đó bạn chỉ cần trang bị những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh, làm chủ được thiết bị… là bạn đã có thể chụp ảnh đường phố được rồi.
Xin cảm ơn anh đã dành quỹ thời gian bận rộn của mình để chia sẻ với bạn đọc của DuyTom. Cảm ơn anh với rất nhiều chia sẻ chân tình và đáng quý!
Chúc anh luôn dồi dào sức khỏe, giữ mãi đam mê và trở thành nguồn cảm hứng động lực cho thế hệ sau tiếp bước, gặt hái nhiều thành công trên con đường chinh phục những giải thưởng lớn trong nước và thế giới.
Chụp ảnh đường phố giỏi cần hết sức tinh tế, phản xạ tốt, nhạy bén, cảm thụ tốt. Hơn nữa, phía sau mỗi bức ảnh đời thường mà NAG khéo khai thác ấy có thể là một câu chuyện dài phía sau hoặc điều ẩn chứa, thông điệp ý nghĩa qua những hoạt động tưởng chừng đơn giản hàng ngày mà rất nhiều người không để ý đến.
Tất cả những thứ đó được gửi gắm qua những phát hiện, nhiều khoảnh khắc quý giá qua đôi mắt nhạy bén của các nhiếp ảnh gia đường phố.
Thật vậy, street photograph nghe qua thì đơn giản đấy, sẵn có đấy nhưng lại không hề giản đơn!
---------------------------------------
Đôi nét về nhiếp ảnh gia, X-photographer Chu Việt Hà
Chu Việt Hà là nhiếp ảnh gia sống tại Hà Nội. Anh hiện công tác tại một tập đoàn về xây dựng có trụ sở tại Hà Nội. Là người đam mê nhiếp ảnh đường phố nên anh cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết cho lĩnh vực này và gặt hái nhiều thành công.
X-Photographer này từng chia sẻ: "Nhiếp ảnh thực sự là cầu nối, là công cụ giúp tôi giao tiếp với đa diện cuộc sống và đa dạng con người xung quanh. Gần như một thứ tôn giáo nhiếp ảnh mà tôi theo đuổi và tiếp tục theo đuổi từ khi bắt đầu cầm máy, đó là: “Khoảnh khắc quyết định” (Decisive moments). Với sở thích và sở trường tiếp cận nhân vật, tôi luôn muốn đưa người xem đến gần hơn, thậm chí trở thành một phần của những khoảnh khắc diễn ra trên đường phố."
Nhiều tác phẩm của Chu Việt Hà còn xuất hiện trên các báo, các tạp chí về Nhiếp ảnh đường phố như IPA (invisiblephotographer.asia) với bộ ảnh “Vietnam – Fleeting Encounters” , 121clicks (A World class portal dedicated for arts & photography), Streethunters …
Anh cũng từng được bình trọn trong top 15 Flicker về ảnh đường phố năm 2016. Tổ chức triển lãm “Like a Life” tại Vincom Bà Triệu năm 2016 do tập đoàn AIA tài trợ, Năm 2018 với triển lãm “Dong Xuan Market” ở Berlin Đức, Và làm Ban Giám Khảo của cuộc thi “London Festival Street Photography”...
Mời quý độc giả xem thêm những bức ảnh yêu thích của nhiếp ảnh gia – X Photographer Chu Việt Hà
Thực hiện phỏng vấn: DuyTom
Ảnh do nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà cung cấp