Chắc hẳn, ít bạn biết rằng nhiếp ảnh cũng có ngày kỷ niệm riêng, đó chính là hôm nay - 19/8, World Photo Day. Cách đây 177 năm, 19/8/1839, nước Pháp đã công bố toàn bộ quá trình tạo ra một bức ảnh với thế giới, đánh dấu sự khởi đầu của lịch sử nhiếp ảnh lừng lẫy và huy hoàng.
"Photography" là từ được tạo ra trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "vẽ bằng ánh sáng". Để có được sự phát triển vượt bậc của ngành nhiếp ảnh ngày nay, thế giới đã phải trải qua hàng nghìn năm với rất nhiều phát minh khác nhau.
Phát minh quan trọng nhất có từ trước công nguyên là "pinhole camera" - thực chất là một phòng tối lớn có một lỗ khoét để hình ảnh phản chiếu trên tường. Lỗ này càng nhỏ hình ảnh càng sắc nét. Đây chính là tiền đề của khái niệm khẩu độ. Đây cũng là lý do tại sao càng khép khẩu (lỗ càng nhỏ) thì hình ảnh càng sắc nét.
Phát minh phòng tối - tiền đề của máy ảnh
Khoảng hơn 1000 năm sau, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu và sử dụng khái niệm phòng tối, có kết hợp với lens để cho hình ảnh phản chiếu rõ nét hơn nữa. Albertus Magnus (1193–1280) phát minh hợp chất bạc nitrate, Georg Fabricius (1516–71) phát minh hợp chất muối bạc, là các chất hóa học cần thiết để tạo ra bức ảnh.
Daniele Barbaro mô tả cơ chế lá khẩu độ vào 1566. Wilhelm Homberg phát hiện ánh sáng có thể là màu một số chất hóa học bị tối đi vào 1694.
Vào khoảng năm 1800, Thomas Wedgwood thực hiện việc "chụp ảnh" đầu tiên bằng phòng tối và "ghi lại" trên tấm da màu trắng phủ bạc nitrat. Ánh sáng chiếu đến tác động lên chất hóa học và Thomas Wedgwood đã thành công khi "chụp" được bóng của vật thể. Tuy nhiên vào năm 1802, người ta thống nhất quy trình này quá khó để sản xuất ảnh và cũng chỉ chụp được bóng vật thể. Những tấm hình làm ra cũng dần dần bị tối xỉn đi do hiệu ứng hóa học
Tấm "phim" vĩnh viễn đầu tiên được làm ra vào năm 1822 bởi nhà phát minh người Pháp icéphore Niépce, nhưng sau đó bị phá hủy trong quá trình sản xuất bản in. Niépce thành công lần nữa vào 1825. Trong khoảng 1826 hoặc 1827, anh chụp tấm hình lịch sử "View from the Window at Le Gras" (dịch là Phong cảnh nhìn từ Cửa Sổ tại Le Gras). Đây được coi là tấm hình đầu tiên trong lịch sử nhân loại. "View from the Window at Le Gras" thỉnh thoảng được trưng bày triển lãm và qua tay nhiều nhà sưu tập khác nhau. Tới 1905, tấm hình mất tích hoàn toàn không để lại dấu vết nào.
Chỉ tới năm 1952, nhà sử học Helmut Gernsheim mới tìm lại được. Ông đã in ra nhiều tấm hình khác nhau, hậu kỳ rất mạnh tay để khung cảnh nhìn rõ và sạch hơn. Trong nhiều năm, tấm hình "View from the Window at Le Gras" được triển lãm chính là tấm hình được hậu kỳ này.
Tấm phim nguyên thủy của "View from the Window at Le Gras", sử dụng phôi hợp kim
Hình ảnh in ra, đã được hậu kỳ rất nhiều để nhìn được rõ ràng
Quá trình sản xuất tấm ảnh mất từ 8 tiếng cho tới vài ngày phơi sáng. Để cải tiến quá trình này, Niépce đã bắt tay cùng Louis Daguerre để nghiên cứu quá trình xử lý hậu kỳ trong phòng tối.
Niépce mất năm 1933. Daguerre tiếp tục quá trình nghiên cứu. Tới 1937, anh đã thành công với quá trình phơi sáng chỉ diễn ra trong vài chục phút, thay vì vài ngày trước đó. Tháng 1/1839, Daguerre công bố kết quả ra thế giới và tạo được tiếng vang lớn. Nước Pháp sau đó đã đồng ý trợ cấp tiền cho Daguerre hàng tháng, đổi lại với việc anh sẽ tiết lộ toàn bộ quá trình để chụp và sản xuất ra một tấm ảnh. Công trình khoa học được công bố rộng rãi vào ngày 19/8/1839, và đây cũng là ngày được coi là khởi đầu của lịch sử nhiếp ảnh.
Trải qua gần 200 năm, nhiếp ảnh đã có những bước tiến khổng lồ - từ phát minh ra cuộn phim, chụp ảnh màu, cho tới ảnh kỹ thuật số và ảnh ba chiều tạo bằng lazer holography. Ngày nay, quá trình sản xuất ra một bức ảnh, thậm chí hàng loạt ảnh đã trở nên hết sức đơn giản và trở thành thú chơi độc đáo và phổ biến.