Luật Trẻ em (có hiệu lực từ ngày mai, 1-6-2017) quy định về Quyền bí mật đời sống riêng tư: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất" ( Điều 21). Điều này đã được một số trang mạng xã hội, báo chí đăng tải giật tít theo kiểu “Cha mẹ đăng ảnh con lên Facebook sẽ bị phạt?” khiến nhiều người hoang mang.
Bài liên quan:
Cha mẹ có thể bị phạt 1 năm tù hoặc 1 tỷ đồng nếu đăng ảnh con lên mạng
“Không nên hiểu cứng nhắc cứ hễ đăng bất cứ hình nào của trẻ em lên Facbeook cũng bị phạt”- Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói. Luật Trẻ em (có hiệu lực từ 1-6) quy định về Quyền bí mật đời sống riêng tư: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em” (Điều 21).
Hai mẹ con đi chơi chụp hình con đăng "phây" thì không bị coi là xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ. (Ảnh: plo.vn)
Vì thế, Nghị định 56/2017 quy định nếu cha mẹ đăng những hình ảnh hoặc thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em từ 7 tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của con. Còn các tổ chức, cá nhân khác đăng ảnh của bất kỳ hình ảnh hoặc thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em nào từ 7 tuổi trở lên cũng phải được sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ.
Lý giải về mốc "7 tuổi trở lên" cần phải được sự đồng ý của trẻ, ông Đặng Hoa Nam cho rằng các nhà khoa học nghiên cứu và chỉ ra rằng đây là lứa tuổi đã biết nhận thức khá đầy đủ về thế giới xung quanh. Các luật khác liên quan đến trẻ em cũng dựa theo lứa tuổi này, chẳng hạn như Luật hôn nhân và gia đình quy định khi vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Nhiều thông tin trên của trẻ em nếu cha mẹ vô ý đăng tải lên mạng xã hội thì rất có thể sẽ vô tình khiến các con gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người,… vẫn đang âm thầm theo dõi trên Internet.
Hơn nữa sẽ có những hình ảnh, thông tin cha mẹ đăng lên Facebook mà trẻ có thể cũng không muốn công khai với bạn bè. Tất nhiên không phải cứ đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật, mà ở đây muốn nhấn mạnh về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình.
Theo mô tả cụ thể trong Nghị định 56/2017/NĐ-CP mới ban hành ngày 9/5 vừa qua về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Hiện đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với các em bằng cách gọi điện đến tổng đài quốc gia về trẻ em: 1800.1567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vận hành. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động, theo Nghị định 56 quy định.
Tổng hợp (Báo Thanh niên, Pháp Luật Tp.HCM)