Giá Sony A6300
2019: 16.4 triệu (chính hãng) - 15.4 triệu (nhập khẩu)
Năm sản xuất: 3/2016
Phù hợp: Tất cả mọi người
Giới thiệu
Sony A6300 + Sigma 16mm F/1.4 - 1/30s, F/13, ISO 100
Gần đây thị trường máy ảnh không gương lật (mirroless) trở nên rất sôi động với sự tham gia của đầy đủ các ông lớn như Fujifilm, Olympus, Nikon, Canon với vô số các dòng máy từ entry-level đến chuyên nghiệp. Nhưng đó là câu chuyện của hiện tại. Nhìn vào quá khứ khoảng 5 năm về trước, Sony là một trong những nhà tiên phong trong mảng mirroless đầy tiềm năng này với các dòng Nex và đặc biệt phải kể đến A6000 đã rất thành công lúc ra mắt. Kế nhiệm A6000 trong phân khúc này chính là Sony A6300 được ra mắt vào khoảng đầu năm 2016 với hàng loạt nâng cấp ấn tượng từ số điểm lấy nét, thuật toán xử lý mới, ISO hiệu quả hơn, quay 4K… Với những thông số được nâng thì quả thật Sony A6300 rất đáng gờm về cấu hình trong phân khúc cùng tầm giá lúc bấy giờ. Mãi cho đến hiện nay (2019), chiếc máy A6300 vẫn là một chiếc máy được rất nhiều người sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhờ mức giá khá hợp lý.
Đặc biệt A6300 được giới quay video rất ưa chuộng vì nó là 1 trong những chiếc crop đầu tiên quay được 4K. Canon phải mãi 2 năm sau mới có đối trọng tương xứng là M50.
Giá
2019: 16.4 triệu (chính hãng) - 15.4 triệu (nhập khẩu)
Đây là mức giá chấp nhận được. Tuy nhiên trong tầm giá này cũng có rất nhiều ứng viên tiềm năng khác như Canon 800D, 80D, M50, Fujifilm XT20...
Thông số kỹ thuật
Sensor
APS-C 24.2MP crop 1.5x
Bộ vi xử lý: BIONZ X
Image sizes
24.3 MP
6000x4000px
Flash
Có
ISO
100 - 51200
Frame Rate
11 khung hình/giây
Hệ thống lấy nét
425 điểm lấy nét theo pha
Thẻ nhớ
1 khe cắm SD
Sử dụng
Cảm giác sử dụng:
Chiếc máy Sony A6300 vẫn kế thừa những đặc điểm thiết kế của A6000 về kích cỡ cũng như tổng quan bên ngoài. Vẫn là báng tay cầm khá to để người sử dụng có điểm tựa chắc chắn khi thao tác chụp cũng như thiết kế vuông vức tối giản. Màn hình của Sony A6300 không có cải tiến với A6000 khi vẫn là màn hình lật không xoay được cũng như không có cảm ứng. Nếu bạn không quá quan trọng về cảm ứng hoặc màn hình xoay lật để selfie thì chiếc máy này hoàn toàn có thể làm bạn hài lòng.
Với người chụp nghiệp dư, chiếc máy có đầy đủ các chế độ P, Auto, SCN ngay trên vòng xoay chế độ để người dùng dễ dàng thao tác. Thậm chí máy còn có chế độ Panorama, bạn chỉ cần lia máy theo hướng dẫn, các bước hậu kì ghép ảnh máy đều tự lo hết.
Với người dùng bán chuyên, chuyên nghiệp, máy có các chế độ M (Manual), S (ưu tiên tốc độ màn trập), A (ưu tiên khẩu độ) và thậm chí chế độ 1 2 (dùng để lưu lại các thông số dùng về sau). Chế độ 1 2 là điều hiếm thấy trên các máy entry-level của một vài hãng khác. Máy cũng có 2 vòng xoay điều chỉnh khiến việc thao tác được thuận tiện hơn.
Chụp chân dung
Sony A6300 + CarlZeiss 55mm F/1.8 – 1/1600s, F/1.8, ISO 200
Khi chụp chân dung với A6300, Người chụp sẽ có cảm giác tự tin và an tâm hơn nhiều so với A6000. Màu da đã được cải thiện rõ rệt, nhìn rất thực, việc hậu kì cũng đỡ vất vả hơn. Nếu bạn chỉ là một người chụp chơi vài tấm về retouch thì không sao, nhưng nếu bạn chụp nhiều ảnh chân dung thì A6300 quả là một sự cải tiến cao cấp hơn hẳn Sony A6000. Tuy nhiên màu da vẫn chưa đẹp hẳn, nịnh mắt hẳn. Nó vẫn hơi ám vàng. Màu da Sony chỉ thực sự ngon từ Sony A6500 và 6400 sau này.
Sony A6300 + CarlZeiss 55mm F/1.8 – 1/400s, F/2.2, ISO 200
Giới chụp ảnh thường có câu “nét như Sony”. Điều này hoàn toàn đúng và được kế thừa bởi Sony A6300. Ảnh chụp ra rất nét, nét đến đứt tay, nhưng đôi khi nếu mẫu chưa trang điểm (makeup) kĩ thì việc hậu kì sẽ gặp đôi chút khó khăn. May thay Sony cũng đã đưa vào chế độ Soft Skin Effect (trong menu của máy) nếu bạn không muốn mất quá nhiều công sức để retouch da.
Sony A6300
Sony A6300 + Sony 18-105 F/4 G – 1/125s, F/6.3, ISO 200, 20mm
Trên Sony A6300 có một chế độ rất hữu dụng khi bạn chụp chân dung, muốn xóa phông mù mịt với khẩu lớn nhất nhưng vẫn muốn mắt mẫu nét căng, đó chính là Eye AF. Nếu chỉ dùng chế độ nhận diện khuôn mặt (Face Detec.) và để khẩu lớn, DOF quá mỏng thì khi crop hình lại, đôi khi bạn sẽ thấy tóc mẫu rất nét nhưng zoom vào mắt mẫu thì không nét đến như vậy. Eye AF sẽ là giải pháp cho trường hợp này.
Dưới ánh sáng vàng ở các nhà hàng hoặc buổi tiệc, bạn cần có kinh nghiệm điều chỉnh WB (độ cân bằng trắng) để ra ảnh đúng với ý muốn. Nếu chụp với chế độ Auto WB thì ảnh trong các môi trường ám vàng thì da mẫu cũng sẽ bị ám vàng khá nhiều.
Chụp phong cảnh
Sony A6300 + Sigma 16mm F/1.4 – 20s, F/14, ISO 100
Sony A6300 + 18-105G – Panorama mode
Sony A6300 + Sony 18-105G – 1/100s, F/11, ISO 200, 18mm
Sony A6300 có Dynamic Range thuộc hàng rất tốt trong dàn máy crop cùng phân khúc và tầm giá. Khi làm hậu kì, vùng tối của Sony A6300 giữ chi tiết rất tốt, kéo sáng lên (ở một mức độ nhất định) nhìn ảnh vẫn trong và không bị bệt màu khi zoom vào.
ISO của Sony A6300 ở các mức thấp như 800, 1600, 3200 trong và rõ nét. Khi lên đến 5000, 6400 thì khả năng giữ chi tiết cho ảnh vẫn rất ấn tượng. Nếu bạn chỉ up facebook hoặc in ảnh cỡ nhỏ giữ làm kỉ niệm thì thậm chí với ISO 8000 ảnh nhìn bên ngoài vẫn khá sạch, ít sạn nhiễu và có thể sử dụng được.
Với hệ thống App hỗ trợ thêm, Sony A6300 như hổ mọc thêm cánh. Các App chụp phong cảnh cũng tương tự như A6000, đây là một trợ thủ rất đắc lực trong các trường hợp bạn không muốn mang quá nhiều đồ nghề (filter ND, GND, holder, remote timelapse,…).
Chụp đời thường
Sony A6300 + Sony 18-105G – 1/160s, F/6.3, ISO 200, 71mm
Sony A6300 + CarlZeiss 55mm F/1.8 – 1/400s, F/2, ISO 1600
Sony A6300 + CarlZeiss 55mm F/1.8 – 1/1250s, F/2.5, ISO 100
Sony A6300 có thân hình gọn gàng, nhẹ (khoảng 400 gram), ít gây sự chú ý và tốc độ focus cực nhanh khiến chiếc máy này trở nên rất phù hợp với các nhu cầu chụp ảnh đường phố. Khi bạn cầm Sony A6300, bạn có thể tự tin rằng chiếc máy này sẽ bắt trúng đa số các khoảnh khắc xảy ra trong quá trình tác nghiệp của bạn. Tỉ lệ out nét là vẫn có nhưng thấp hơn khá nhiều so với một vài máy cùng phân khúc.
Sony A6300 còn có chế độ Silent shooting rất thích hợp cho các môi trường cần sự im lặng như phòng hòa nhạc, thính phòng, những nơi yêu cầu sự im lặng… Chế độ này hỗ trợ cả ảnh Raw nên việc sáng tác trong môi trường yên tĩnh chưa bao giờ thoải mái đến vậy.
Bản thân người viết bài rất thích vừa đi vừa chụp nên cần 1 chiếc máy có khả năng bám nét tốt để phục vụ nhu cầu sáng tác ảnh. Và đây là hình ảnh khi mình vừa đi và vừa chụp, không hề dừng lại.
Hệ thống lấy nét, chụp tốc độ cao
Tuy Sony vẫn giữ nguyên tốc độ chụp liên tục 11fps trên A6300 khi so với A6000 nhưng đây vẫn là một con số đáng kinh ngạc. Thông số này ngang hàng với các máy chuyên nghiệp đời cũ và ăn đứt vài dòng bán chuyên đời mới hiện nay. Như đã đề cập ở trên, hệ thống tracking của A6300 thật sự rất tốt, một khi đã bám nét là bám cho đến cùng! Hệ thống lấy nét cũng rất nhanh, như điện xẹt, vừa nhấn nửa cò là đã lấy nét xong. Tuy vẫn còn vài trường hợp bị out nét nhưng không đáng kể.
Wifi
Sony A6300 có đầy đủ các kết nối hiện đại như Wifi/NFC. Bạn sẽ sử dụng App PlayMemories trên smartphone, ipad để kết nối với máy, dùng như remote chụp hoặc trình xem ảnh. Cách kết nối cũng khá nhanh và tiện lợi, không rắc rối gây ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của người dùng
quay video
Sony A6300 có khả năng quay phim rất tốt nhờ hỗ trợ định dạng 4K 25/30 frame/s. Tiếc rằng máy không có hỗ trợ chống rung 5 trục trên sensor hay phần mềm chống rung tích hợp. Sony A6300 tập trung vào khả năng quay video với các profile nổi tiếng S-log, S-Gamut. Một điều thú vị khi quay phim đó chính là thanh thông báo trạng thái âm thanh (audio level) trên màn hình của máy. Điều này sẽ giúp người sử dụng có thể nắm được và điều chỉnh cường độ âm thanh phù hợp với nhu cầu. Chiếc máy này cũng hỗ trợ lỗ cắm mic (so với A6000 không có)
Thẻ nhớ
A6300 sử dụng 1 thẻ nhớ SD
Pin
Pin của Sony A6300 có mã hiệu là NP-FW50. Với 1 viên pin hãng bạn có thể chụp được khoảng 400 tấm trước khi máy hết pin. Nếu bạn là một người ít chụp thì đây là một con số an toàn nhưng Duytom vẫn khuyến khích bạn có thêm 1 cục pin dự phòng trường hợp bất trắc. A6300 có một tiện lợi rất hay đó là người sử dụng có thể sạc pin thông qua cổng USB rất hữu dụng.
Khuyên dùng
Sony A6300 là một cải tiến đáng giá so với A6000. Hiện nay giá của A6300 đã giảm khá nhiều so với thời điểm mới ra mắt nên đây là một chiếc máy khá đáng tiền. Bạn sẽ mua Sony A6300 nếu:
- Bạn thích quay phim, cần S-log để làm hậu kì với một mức giá hợp lý
- Bạn thích chụp phong cảnh, đường phố, cần máy dynamic range tốt
- Bạn thích một chiếc máy nhỏ gọn với một mức giá hợp lý + hiệu năng cao
Nếu bạn cần quay/chụp chân dung nhiều, hãy cân nhắc A6500 hoặc A6400. Màu da của những chiếc máy đời sau này là tốt hơn nhiều.
Bản quyền nội dung thuộc về duytom.com.
Comment
{fcomment}