Dùng Sigma Art 50 thì việc yêu cầu giỏi hậu kỳ cũng không quá quan trọng nữa. Đây là cầu nối giúp các bạn mới chơi, nghiệp dư cũng có thể xài được full-frame cao cấp. Các bạn đang hành nghề thì Sigma Art 50 chắc chắn sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian hậu kỳ. Đồng thời gia tăng đáng kể độ tin cậy khi tích hợp lấy nét hoàn hảo với body Sony.
Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng xem xét siêu phẩm đang được bàn tán râm ran trên các diễn đàn: ống kính Sigma Art 50mm f/1.2, sản phẩm được phân phối chính thức bởi BH Asia – nhà phân phối độc quyền Sigma tại Việt Nam. Anh em pre-order sẽ được tặng thêm túi Thinktank mirrorless Mover 20 trị giá 1,4 triệu Đồng. Và ngay sau đây mình sẽ 'đập hộp' em nó.
CẢM GIÁC CẦM TAY
Về hình dáng bên ngoài, mình có thể so sánh với một lon bia cho các bạn dễ hình dung. Lens giảm được chiều dài tổng thể nhờ tinh giản hệ thống quang học. Ống kính được làm bằng chất liệu kim loại chống xước rất cao cấp, sờ mát lạnh tay. Xét về trọng lượng thì lens này nhẹ nhất phân khúc 50mm F1.2 dành cho mirrorless full-frame (tính đến tháng 3 năm 2024, bởi SIGMA).
Điều này có được nhờ tiết kiệm trọng lượng tối đa trong bộ truyền động lấy nét và cấu tạo thấu kính. Là dòng Sigma Art thì ai cũng biết đây là lens có hiệu suất tốt, độ tin cậy cao, Đối tượng hướng tới là các chuyên gia và những người nghiệp dư nâng cao đang tìm kiếm ống kính 50mm tốt nhất hiện nay.
CẢM NHẬN BÊN NGOÀI
Lens cứng cáp vừa vặn với máy, không bị quá to. Cầm một tay thì hơi nặng và chúng ta nên cầm hai tay với combo đắt tiền như này.
ĐIỀU KHIỂN
Đây là chuyển đổi giữa lấy nét tự động và lấy nét bằng tay. Đây là vòng xoay khẩu, với khẩu nhỏ nhất là f/16, lớn nhất là f/1.2 Chúng ta gạt nút này thì lens sẽ khóa khẩu ở nấc tự động. Lúc này ta sẽ không xoay được khẩu khỏi nấc A. Mở khóa thì ta sẽ xoay được khẩu sang các mức từ f/16 đến f/1.2
Trên video đánh giá bạn sẽ thấy chiếc lens này có tính năng rất thú vị, nếu bạn gạt sang ON, thì xoay khẩu sẽ nghe thấy tiếng click click. Cảm giác xoay thấy chắc tay. Còn gạt sang OFF thì xoay khẩu sẽ trơn mượt, nhẹ nhàng. Có thể thấy Sigma rất chiều khách hàng khi quan tâm đến cả chi tiết nhỏ như cảm giác xoay khẩu như thế này.
TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Đã mệnh danh là chiến thần bóng tối thì bài test đầu tiên của lens sẽ chắc chắn là vào buổi tối rồi. Mình phi thẳng tới Grand World Ocean Park để xem Sigma art 50 thể hiện khi thiếu sáng như nào. Lúc này là 8h30 tối, đây là khu vực không có đèn, diễn viên đóng nàng tiên cá đang 'lén lút' đi vào sân khấu trong bóng tối để setup. Trời tối thui như vậy là cơ hội tốt để mình test khẩu f/1.2 của lens. Mở khẩu hết cỡ f/1.2, tốc độ 1/50, ISO 1250, và boom, sáng như chiếu đèn luôn các bạn ạ!
Mình nhắc lại ảnh này chụp hoàn toàn không có đèn chiếu nào khác. Mình đi chụp sự kiện này chỉ mang theo đúng chiếc máy ảnh, mà nó sáng là nhờ setup tăng độ sáng và khẩu lớn. Ảnh chụp lên rất trong, là điều không thể có đc nếu dùng lens kém hơn. Khi nhạc nước bắn lên thì đây cũng là lúc sự ngạc nhiên bắt đầu. Sigma Art 50 cho màu sắc rất rực rỡ.
Các bạn đang quan sát màu gốc của lens luôn. Nó biến chiếc máy Sony từ việc phải luôn hậu kỳ đến bước có thể chụp ăn ngay. Như những tấm hình này, mình thấy cũng không cần phải chỉnh sửa gì thêm. Đây là điều tuyệt vời cho các bạn ngại hoặc chưa biết nhiều về hậu kỳ.
Điều tiếp theo mình nhận thấy là khả năng lấy nét của Sigma art 50 tích hợp rất tốt với máy Sony. Trong môi trường ánh sáng vô cùng phức tạp, nước bắn lên tung tóe 360o quanh mẫu, máy vẫn lấy nét cực kỳ chuẩn xác vào mặt mẫu. Mà kể cả mẫu quay lưng vẫn không hề bị out nét, mẫu ở rìa ảnh cũng tự nhận biết luôn. Đây là minh chứng cho thấy khả năng lấy nét thông minh số một của Sony, và lens Sigma được tích hợp hoàn hảo với hệ thống này.
Mời các bạn xem những thước phim được quay review bởi lens Sigma art 50 ở video trên. Lưu ý đây là phim gốc không chỉnh sửa màu, chúng ta có thể thấy màu sắc rực rỡ và đầy đủ như thế nào. Độ sâu trường ảnh thể hiện rất tốt nhờ khẩu f/1.2.
Như vậy qua bài test đầu tiên, mình có thể thấy ngay cái lợi rất lớn của Sigma art 50: Đó là quay chụp ăn ngay, không cần phải chỉnh nhiều, và độ tin cậy rất cao, thể hiện qua khả năng lấy nét + hình ảnh rất sắc sảo.
Kiểm tra hiệu ứng lóa, ảo ảnh, bokeh và viền tím
Trong phần tiếp theo, mình sẽ test các đặc tính lens gồm hiệu ứng flare, ảo ảnh, bokeh và viền tím. Ở môi trường mình đứng test, ánh sáng rất gắt, mình quay chéo 45o. Được một lúc thấy video vẫn trong vắt, ngon lành. Mình muốn thử cấp độ mạnh hơn nên soi thẳng vào nguồn sáng cao áp cực mạnh. Và đó, hiệu ứng flare đã xuất hiện.
Phải nói là chất lượng quang học Sigma Art cực ổn. Bởi vì, với lens bình thường thì soi ngược sáng mạnh như này, flare nó bắn tùm lum tràn hết cả ảnh rồi. Với Sigma art 50, hiệu ứng này rất nhẹ nhàng và cũng rất điện ảnh. Mời các bạn chiêm ngưỡng kỹ hiệu ứng trong clip và tiếp theo là cả hiệu ứng bokeh của lens.
Như mình vẫn hay nói, đã 50mm mà mở khẩu f/1.2, bokeh nó to bằng cái bát, rất đúng trong trường hợp này. Và khi khép khẩu f/5.6, điều thú vị là bokeh vẫn tròn, điều này nhờ ống kính có 13 lá khẩu đầu tiên của Sigma. Khi ta khép đến f/11 thì nó vẫn còn có hình dạng tương đối tròn, chứ không vuông thành sắc cạnh như các ống kính thường. Hiệu ứng bokeh của Sigma art 50 sẽ giúp chúng ta có những thước phim thú vị như trên clip. Về hiệu ứng viền tím thì mình làm đủ mọi cách, kể cả soi đèn màu vũ trường cực mạnh, nó cũng không ra.
Đến hôm sau với quyết tâm phải hiện cho ra viền tím thì mình chụp thẳng mặt trời nắng chói chang lúc 2h chiều. Viền tím đã xuất hiện với tần suất rất ít, là phần cành cây này. Dưới tán cây ở đây cũng có chút viền xanh. Như vậy chất lượng quang học của Sigma art 50 phải nói là xuất sắc so với các lens hiện nay. Nó giảm thiểu hầu hết các lỗi quang học phổ biến.
Tiếp theo, mình đến với một concept thuộc loại khá hàn lâm, kinh điển là chụp áo yếm trong làng cổ. Concept được tổ chức bởi nhiếp ảnh gia Học Phạm và thầy Dương Quốc Định chỉ đạo nghệ thuật.
Bối cảnh là làng cổ Đường Lâm, ánh sáng được dàn dựng bởi 3 đèn Nanlite FC500B với công suất rất lớn. Với các shot ảnh đầu tiên, chi tiết của Sigma art là tuyệt vời, nó xóa phông rất mịn và nét tới từng sợi tóc. Chất lượng ảnh và màu sắc chưa cần hậu kỳ đã tốt rồi. Các bạn cũng cần lưu ý màu sắc gốc lên như này có đóng góp khá lớn của dàn đèn ánh sáng công suất mạnh, chứ không phải chỉ có máy và lens không.
Setup đèn cũng khá đơn giản như này:
Do ảnh gốc đã tốt rồi nên hậu kỳ cũng rất đơn giản. Đầu tiên ta kéo contrast để mặt mẫu đỡ bị sáng quá gắt. Sau đó chọn mặt nạ và chọn background, giảm màu, dìm sáng xuống cho nền tối hẳn. Tiếp theo ấn chọn người, kéo contrast, đẩy màu lên cho tách khỏi nền. Kéo clarity xuống, đẩy sharpness lên cho đẹp da.
Cuối cùng chọn Vignet làm tối 4 góc để hướng sự tập trung vào mẫu. Toàn bộ quá trình hậu kỳ mất không quá 10 phút. Để trau chuốt hơn bạn có thể ghép thêm con mèo hoặc con chim cho giống bức tranh. Còn mình với mục đích review thì sẽ giữ bức ảnh như này thôi. Và chốt lại với chụp ảnh setup hàn lâm như thế này thì quá đơn giản với Sigma art 50mm f/1.2. Ảnh cho ra đầy đủ chi tiết, hậu kỳ dễ dàng. Thiết bị sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của bạn, giới hạn ở đây chỉ là trình độ bạn đến đâu thôi.
KHẢ NĂNG QUAY CHỤP/CHUYỂN ĐỘNG NHANH
Ở phần cuối, mình test một bài test có lẽ xương xẩu nhất về mặt kỹ thuật: đó là quay chụp chuyển động nhanh và rất nhanh trong điều kiện ánh sáng yếu, phức tạp. Và để làm được điều đó, mình sẽ đến với rạp xiếc TW.
Ca diễn vào lúc 10h sáng, trong đầu mình cũng không kỳ vọng gì nhiều vì mình vốn định kiến là xiếc Việt Nam thì cũng bình thường, không có nhiều đặc sắc. Vài tiết mục đầu tiên gồm mở màn, xiếc vẹt, hề.
Đúng như mình nghĩ, ở mức tạm ổn cho sự khởi đầu. Tiết mục tiếp theo khá ấn tượng, với bốn nghệ sĩ tạo hình rất đẹp. Cho tới thời điểm này thì chưa làm khó được mình vì chỉ cần set tốc độ 1/200, f/1.2, ISO auto là cứ thế bấm thôi.
Tiếp theo là nhiều bất ngờ mở ra. Tiết mục đỉnh cao của đoàn xiếc TW là đây, cũng là tiết mục đạt giải vàng liên hoan xiếc quốc tế. Nó làm mình hay các khán giả khác xem đều thót hết cả tim (cả phòng xem đều ồ lên rất nhiều lần) vì cả hai nghệ sĩ nữ đều hoàn toàn không dùng dây bảo hiểm. Nhưng đồng thời cũng làm mình rất nể vì những nét động tác tạo hình cực khó.
Đến 'phát chưởng' cuối này thì mình hoàn toàn tâm phục khẩu phục. siêu mạo hiểm nhưng cũng quá đẹp, quá tuyệt vời! Những tưởng như thế đã là ghê gớm, nhưng không, tiết mục cuối cùng này có tên 'Vòng quay tử thần', đây mới thực sự là tiết mục khiến bạn nín thở nhắm tịt mắt. Vòng xoay tử thần cao lên tới 15m và quay liên tục. Các nghệ sĩ trẻ sẽ biểu diễn trên đó và cũng hoàn toàn không có dây bảo hiểm.
Sau vài vòng nhào lộn thì cũng đến nghệ sĩ chính biểu diễn, và để thêm phần gay cấn, anh sẽ biểu diễn ngoài lồng. Đồng nghĩa với việc chỉ một sai lầm nhỏ cũng sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng. Khán giả cứ ồ lên liên tục. Tiết mục này tra tấn tinh thần của mình, mình sợ chết khiếp nhưng không dám nhắm tịt mắt vì vẫn phải quay chụp. Khi anh bạn nhảy xuống, lúc đó mình mới dám thở mạnh một hơi. Thực sự là quá nể các nghệ sĩ trẻ. Những gì các bạn trình diễn ngày hôm nay vượt ngoài sức tưởng tượng của mình, rất hay, rất xứng đáng đến từng xu!
KẾT LUẬN
Sigma art 50mm f/1.2 có 1 ưu điểm nổi trội là màu sắc cực thu hút, chụp phát 'ăn ngay'. Chi tiết và xóa phông đều rất tốt. Dùng Sigma Art 50 thì việc giỏi hậu kỳ cũng không quá quan trọng nữa. Đây là cầu nối giúp các bạn mới chơi, nghiệp dư cũng có thể xài được full-frame cao cấp.
Các bạn đang làm nghề chuyên nghiệp thì Sigma Art 50 chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian hậu kỳ. Đồng thời gia tăng đáng kể độ tin cậy khi tích hợp lấy nét hoàn hảo với body Sony. Sigma Art 50mm đang được phân phối chính hãng bởi công ty BHASIA. Duytom xin chân thành cảm ơn...
Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com
-
Đánh giá Sigma 35mm F1.4 DG HSM Art - Kẻ thách thức ông trùm Canon 35mm f/1.4L
-
Đánh giá Sigma 50mm f/1.4 EX DG HSM - Lens 50mm đỉnh dưới 10 triệu
-
Đánh giá Sigma 50mm f/1.4 DG HSM Art - lens tiêu cự 50mm xuất sắc nhất hiện nay
-
Đánh giá Sigma 12-24mm f/4.5-5.6 EX DG HSM - Lens góc siêu rộng rẻ tiền dành cho Canon
Đánh giá Sigma 18-50mm for Fuji - Linh hoạt đến kinh ngạc