Cách chụp ảnh xóa phông - tìm hiểu về độ sâu trường ảnh (depth of field DOF)

Độ khó: Cơ bản
Yêu cầu: Không có gì 

Mô tả: Chụp ảnh xóa phông hầu như là chủ đề đầu tiên mà bất kỳ người mới chụp nào cũng quan tâm và mong muốn chụp được. Đặc biệt là các nhiếp ảnh gia tuổi teen, có người mẫu cũng tuổi teen. Thường những bức chân dung xóa phông luôn đem lại cảm giác gì đó "nghệ thuật", và tạo chiều sâu rất ấn tượng. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu các cách xóa phông dựa vào độ sâu trường ảnh (DOF)

Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về độ sâu trường ảnh (DOF)

DOF là gì: 

Khi ngắm nét một đối tượng ở khoảng cách nào đó, ta sẽ có 3 vùng rõ ràng như hình dưới.

- Vùng A: vùng mờ trước
- Vùng B: khoảng nét rõ, đây là độ sâu trường ảnh - tiếng Anh là Depth of Field, viết tắt DOF (một số tài liệu còn gọi là chiều sâu thị trường, khu vực nét sâu). Trong vùng B có điểm lấy nét, thường là người mẫu. Khoảng trước điểm lấy nét gọi là vùng nét trước, khoảng sau điểm lấy nét gọi là vùng nét sau
- Vùng C: Vùng mờ sau

Dưới đây là các ví dụ thực tế: 

Minh họa thực tế về vùng mờ trước, khoảng nét rõ, và vùng mờ sau

Việc tính khoảng cách các vùng này có công thức hẳn hoi, và đã được các nhà toán học nghiên cứu hết sức hoàn chỉnh. Các bạn có thể vào website DOFmaster để tham khảo. Ví dụ, bạn dùng 5D Mark II, sử dụng ống kính 50mm, khẩu độ f/1.8, đứng cách mẫu 5m. Các tham số sẽ là:
- Từ 0m đến 4m52 là vùng mờ trước
- Từ 4m52 đến 5m59 là vùng rõ DOF. Khoảng cách của DOF là 107cm, trong đó 47.9cm trước là vùng nét trước, 59.2cm là vùng nét sau.
- Từ 5m59 đến vô cực là vùng mờ sau

Trên thực tế đi chụp thì bạn không có cách nào để tính được chính xác các con số này bởi chúng được tính bằng các hàm số tích phân vi phân cực kỳ phức tạp. Mà cách tốt nhất là bạn không cần phải để ý luôn. Bạn chỉ cần nhớ 1 điều là khi chụp ảnh sẽ có 3 vùng, 1 vùng mờ trước, 1 vùng rõ, và 1 vùng mờ sau. Từ đó vận dụng vào ý tưởng của bạn và thế là đủ.

Làm thế nào để xóa phông

Khi mới bắt đầu chụp, hầu hết mọi người đều lầm tưởng chỉ có khẩu độ là quyết định việc xóa phông, nhưng thực ra có đến 3 cách xóa phông. Ta sẽ cùng điểm qua

Xóa phông bằng khẩu độ

Thiết lập khẩu độ càng to, xóa phông càng mạnh. Vì vậy những lens có khẩu độ f/1.2, f/1.4, f/1.8 thường xóa phông rất mù mịt
Ngược lại, nếu bạn muốn nét từ A đến Z, hãy khép khẩu nhỏ lại, ví dụ: f/8, f/11, f/16...

Khẩu độ càng lớn thì xóa phông càng nhiều (ví dụ f/1.8, f/2.8) Khẩu độ càng nhỏ thì xóa phông càng ít (f/4, f/8, f/11)

Các lens khẩu cực lớn như 85mm f/1.2L II có khả năng xóa phông rất mù mịt

Xóa phông bằng tiêu cự

Những lens tiêu cự càng xa thì xóa phông càng nhiều. Đây là lý do có những tấm ảnh để khẩu nhỏ như f/5.6, f/6.3, thậm chí f/8... nhưng xóa phông vẫn rất tốt. Đó cũng là lý do tại sao mọi người rất hay sử dụng lens tele để chụp chân dung như 70-200mm, 135mm...

Những lens tiêu cự dài 200mm, 250mm, 300mm trở lên là những lens xóa phông tốt

 

Xóa phông bằng khoảng cách tới người mẫu

Bạn đứng càng gần người mẫu thì càng xóa phông được nhiều. Đứng càng xa, thì mọi thứ càng rõ

Minh họa xóa phông bằng việc điều chỉnh khoảng cách tới vật mẫu. 

Vận dụng trong thực tế

Bạn muốn xóa phông mù mịt hết mức có thể, ta setup máy như sau:


- Hãy zoom đến tiêu cự dài nhất của lens (nếu lens kit 18-55 thì zoom đến 55mm, lens 70-200 thì zoom tới 200mm...)
- Mở khẩu lớn nhất của lens (ví dụ f/1.2, f/1.4, f/1.8...)
- Đứng sát mẫu nhất có thể

Xóa phông với thông số tiêu cự 135mm - f/2 - khoảng cách 30m

Bạn muốn nét rõ từ A đến Z
Ta setup như sau:
- Sử dụng tiêu cự nhỏ nhất có thể (16, 24, 35mm)
- Để khẩu càng nhỏ càng tốt (f/8, f/11, f/16)
- Đứng xa mẫu ra

Chân dung không phải lúc nào cũng xóa phông, như bức ảnh trên, nét suốt từ mẫu tới hậu cảnh thì sẽ đẹp và ấn tượng hơn 

Tạo bức ảnh chiều sâu 3 lớp

Có khá nhiều người thường chỉ chụp ảnh có độ sâu 2 lớp: là người mẫu và phông nền hậu cảnh. Nhưng trên thực tế ta có thể chụp những tấm ảnh có chiều sâu 3 lớp.

Ảnh chiều sâu 2 lớp: vùng nét rõ của người mẫu và hậu cảnh phông nền mờ phía sau

 

Ảnh chiều sâu 3 lớp: lớp tiền cảnh là hoa nằm phía trước, vùng nét rõ chứa người mẫu, và hậu cảnh phông nền

Để có bức ảnh chiều sâu 3 lớp, ta chọn sao cho
- Có một phần làm tiền cảnh, nằm trong vùng mờ trước
- Mẫu sẽ nằm trong vùng nét rõ
- Đằng sau mẫu là hậu cảnh, nằm trong vùng mờ sau

Điều chỉnh các tham số khẩu độ, tiêu cự, khoảng cách tới mẫu sao cho 3 vùng này càng tách bạch càng tốt. Ta sẽ có bức ảnh rất có chiều sâu.

Kết luận

Sau này khi đã quen, bạn sẽ biết được lens nào xóa phông tốt chỉ bằng cách nhìn vào tham số. Ví dụ với lens tiêu cự ngắn, khẩu độ nhỏ như 16-35mm f/4 thì đương nhiên xóa phông sẽ rất khó khăn. Ngược lại những lens tiêu cự dài, khẩu độ lớn như 135mm f/2 thì khả năng xóa của nó hết sức khủng khiếp. Đây là những kiến thức cơ bản bạn cần nắm thật chắc để vận dụng khi chụp chân dung. Khi đã nắm chắc rồi thì chất lượng hình ảnh của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.

Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com. 

 DMCA.com Protection Status


Comment

{fcomment}

 

Related Articles