Kỹ thuật phơi sáng cơ bản

Độ khó: Cơ bản
Yêu cầu: Biết cân bằng giữa 3 yếu tố ISO, khẩu độ, tốc độ để có được tấm ảnh đủ sáng

Mô tả: Phơi sáng là kỹ thuật mở cửa chập với thời gian dài (thường từ vài giây trở lên), để ánh sáng vào cảm biến nhiều hơn. Phơi sáng sẽ làm phần phong cảnh tĩnh rõ sắc nét, trong khi những vật thể chuyển động như xe cộ sẽ mờ hoặc tạo thành vệt chuyển động. Phơi sáng ghi lại được điều mà nhiếp ảnh bình thường không làm được: Đó là thời gian! Nhìn vào một bức ảnh phơi sáng, ta sẽ thấy cả sự chuyển động của thời gian trong đó.

Các thiết bị cần có

Máy ảnh DSLR (hoặc compact/điện thoại có khả năng điều khiển tốc độ cửa chập). Máy có live view là tốt nhất


Máy ảnh với tính năng live view

Lens: Mọi lens đều có thể dùng để phơi sáng, nếu bạn định chụp phong cảnh thì lý tưởng là lens góc rộng trong khoảng 16 đến 35mm.


Lens góc rộng

Chân máy: chân máy là phụ kiện rất quan trọng.

- Bạn không nên dùng chân máy mỏng và yếu như chiếc số 1 trong hình. Giá chân máy này chỉ khoảng 100 - 200 nghìn, nhưng chỉ dùng với máy ảnh du lịch. Với máy ảnh DSLR + ống kính rời lớn, trọng lượng có thể lên tới 5kg. Chân máy yếu sẽ rung bần bật vì gió / chấn động của nền đất, thậm chí thổi đổ cả máy của bạn. Khi mua, bạn cần chú ý vào vật liệu sản xuất và đường kính chân máy. Nếu làm bằng nhôm, đường kính chỉ khoảng 1cm, cảm giác yếu lung lay thì không nên dùng.
- Chân máy cứng cáp hơn một chút và để vừa balo của bạn như chiếc số 2 là tạm chấp nhận được. Chiếc chân máy này có đường kính chân khoảng 1.5cm, giá khoảng 300 nghìn. Nó có ưu điểm là nhỏ gọn, cho vừa vào ba lô, đáp ứng được 80% nhu cầu phơi sáng trong điều kiện thời tiết đẹp. Nhưng nếu gặp gió to thì nó vẫn sẽ rất rung, và khi phơi sáng vài chục giây thì ảnh nhòe là điều chắc chắn xảy ra. Chiếc chân này chỉ đỡ được những máy nhỏ nhẹ như Canon 100D, 400D. Với dòng máy to khỏe như 7D, 5D, 6D... nó sẽ khó đỡ được.

Chân máy số 2 vừa vặn với balo chuyên dụng

- Chân máy số 3 to khỏe, chắc chắn, đường kính chân máy từ 2cm trở lên. Giá giao động từ 600-900 nghìn. Chiếc chân máy này đáp ứng gần như 100% yêu cầu phơi sáng bình thường, kể cả trong điều kiện gió mạnh. Chân máy này có thể chịu tải cả dòng 1D + ống kính 70-200mm khổng lồ. Nhược điểm là nó rất to nên không để vừa balo của bạn được. Mang vác thực sự khó khăn. Chưa kể việc phơi sáng bạn thường phải leo trèo lên các tòa nhà chung cư, cao tầng. Việc mang thiết bị hình dáng "nhạy cảm" như vậy đôi khi gây sự chú ý không cần thiết.


Chân máy số 3 chắc chắn nhưng to hẳn so với hầu hết ba lô hiện nay

- Trên thế giới có những loại chân máy rất đắt tiền (Manfrotto, Gitzo, Benro...), bán giá vài chục triệu. Đây là những chân máy phục vụ cho những lĩnh vực phơi sáng cực kỳ khó và khắt khe, ví dụ chụp thiên văn với mức độ phơi sáng nhiều tiếng, thậm chí nhiều ngày, với yêu cầu độ rung gần như bằng 0%. Với đa phần nhiếp ảnh nghiệp dư, việc mua những chân máy này là không cần thiết.

Manfrotto MT055CXPRO4 055 Carbon Fiber

- Có nhiều người cũng thắc mắc nên mua monopod (1 chân) hay tripod (3 chân). Khi phơi sáng thì bạn cần mua 3 chân. Bạn cũng có thể mua loại chân máy hỗn hợp: bình thường có 3 chân, nhưng có thể tháo 1 chân ra làm monopod. Loại này trong khoảng 1,2 triệu trở lên.

Những thiết bị nên có, nhưng không bắt buộc, gồm
- Kính lọc phân cực, kính lọc ND, kính lọc GND (đây là chủ đề nâng cao, Duytom đã có bài viết riêng: Kính lọc là gì - các loại kính lọc khác nhau.)

- pin dự phòng (phơi sáng rất ngốn pin), bạn nên mang đi theo 1 tới 2 viên pin.

- Điều khiển từ xa - dây bấm mềm: Lý do sử dụng cái này là vì khi bạn ấn nút chụp, tự bạn sẽ tạo ra sự rung nhất định cho máy, khiến ảnh bị nhòe. Dây bấm bên ngoài hạn chế điều này và sẽ làm ảnh không bị nhòe. Tuy nhiên không bắt buộc phải có, vì bạn hoàn toàn có thể setup chế độ chụp sau 2 giây.

Dây bấm mềm

Địa điểm chụp

Trước hết là tìm địa điểm. Địa điểm trên cao như nóc nhà, sân thượng, ban công, cầu vượt, quán cafe trên cao... là những địa điểm lý tưởng

Các địa điểm trên cao như quán cafe này là nơi rất lý tưởng 

Setup máy.

ISO: đặt trong khoảng 100 - 800 (100 hoặc 200 là lý tưởng)
Khẩu độ: f/11 - f/22
Tốc độ: trong khoảng 0,5 giây tới 30 giây
Nếu không có điều khiển từ xa thì set máy ảnh chụp sau khi bấm nút 2 giây. Lý do của việc này là khi chúng ta ấn nút chụp, sẽ có độ rung nhất định tới máy, sẽ làm ảnh bị nhòe và mờ.

Cách chụp

Bật live view để nhìn cảnh cho dễ

Bật live view để phơi sáng dễ dàng hơn

Sau khi setup máy và đo đủ sáng, chúng ta bấm điều khiển từ xa. Nếu không có, ta ấn nút chụp và buông ra ngay để sau đó 2 giây, máy ảnh sẽ tự động chụp phơi sáng.

Trong quá trình phơi sáng tuyệt đối không động vào máy

Phơi sáng 20 giây - f/5.6 - ISO: 100

 

Phơi sáng 10 giây - f/11 - ISO: 100

Lưu ý cực kỳ quan trọng: Hãy học thói quen luôn đeo máy ảnh vào cổ. Ở trên cao gió to, máy ảnh có thể bị thổi đổ, rơi, gây hậu quả nghiêm trọng cho người đi phía dưới. Kể cả ở dưới mặt đất, máy ảnh đổ có thể vỡ, hỏng, hoặc rơi xuống hồ nước nếu bất cẩn

Cách tạo bầu trời xanh

Để có bầu trời xanh, bạn cần chọn thời gian chụp là giờ vàng của nhiếp ảnh: tức là thời điểm hoàng hôn sắp tắt để chuyển sang tối (4h30 - 7h tối tùy từng vùng miền, tùy từng mùa). Lúc đó trời vẫn còn trong xanh, phơi sáng sẽ rất đẹp.

Chụp thời điểm hoàng hôn để có bầu trời trong xanh

Cách làm vệt sáng trên đường dài và đẹp

Nếu chúng ta để thời gian phơi ngắn khoảng 1 hay 2 giây, các vệt sáng trên đường sẽ bị đứt đoạn và không đẹp. Vì thế ta nên để thời gian phơi sáng dài một chút, ví dụ từ 10 tới 30 giây, chỉnh khẩu độ và ISO nhỏ xuống để cân bằng lại.

Phơi sáng 6 giây làm vệt chuyển động trên đường bị đứt đoạn và tủn mủn

Phơi sáng 20 giây tạo dải ánh sáng liên tục đẹp hơn

Cách tạo hiệu ứng ngôi sao

Rất nhiều người mới tập chụp lầm tưởng là thời gian phơi sáng dài mới tạo ra được hiệu ứng ngôi sao. Nhưng thực ra không phải thế. Việc khép khẩu độ mới tạo ra hiệu ứng ngôi sao. Thường đại đa số lens tạo ra hiệu ứng ngôi sao ở khẩu f/11 trở đi. Đó là một trong những lý do tại sao khi phơi sáng, chúng ta luôn để khẩu độ nhỏ (f/11 chẳng hạn)

Ví dụ khép khẩu f/11, tốc độ 1/25 giây, ISO 3200 và chụp cầm tay, hiệu ứng ngôi sao xuất hiện ngay lập tức, không cần phải phơi sáng dài.

Tốc độ 1/25 - khẩu f/11 - ISO 3200. Hiệu ứng ngôi sao xuất hiện ngay cả khi chụp bằng tay.

Việc phơi sáng cố định trên chân máy sẽ giúp hiệu ứng sắc nét và đẹp hơn rất nhiều khi chụp bằng tay.

Những ứng dụng của nhiếp ảnh phơi sáng

Chụp đêm

Vẽ bằng ánh sáng

Đây là một kỹ thuật hết sức lý thú. Nhiếp ảnh gia sau khi setup máy ảnh sẽ cầm một chiếc đèn/pháo sáng, vẽ lên khoảng tối. Kết quả sẽ được một bức ảnh vẽ bằng ánh sáng rất ấn tượng

Phơi sáng với mặt nước/sông/hồ/biển

Với sự hỗ trợ của kính lọc (filter), việc phơi sáng mặt nước ban ngày sẽ tạo ra những hiệu ứng mềm, mượt, mịn như dải lụa.

Nhiếp ảnh thiên văn

Đây là một trong những lĩnh vực nhiếp ảnh rất khó và đòi hỏi vô cùng khắt khe. Nhiều nhà nhiếp ảnh thiên văn chuyên nghiệp thậm chí đổ số tiền mua thiết bị tương đương với 1 chiếc ô tô! Những nhiếp ảnh gia này thường phải đi nhiều, tìm tòi những nơi lý tưởng và phơi sáng nhiều giờ đồng hồ. Thiết bị của họ tối thiểu bao gồm
- chân máy cực tốt trị giá từ vài trăm tới vài nghìn USD.
- Máy ảnh full-frame + ống kính góc rộng loại tốt nhất (Và họ thay máy liên tục vì phơi sáng nhiều giờ đồng hồ là cách phá máy ảnh nhanh nhất)
- Kính lọc vài trăm USD / chiếc và có khoảng gần chục chiếc như vậy.
- phụ kiện gồm điều khiển từ xa, chục viên pin dự phòng, ắc quy, sạc dự phòng.
- Vài chục chiếc thẻ nhớ

Những bức ảnh chụp dải ngân hà, vệt sao (star trail), tinh vân... đều là những bức ảnh hết sức kỳ công, phơi sáng từ vài phút tới nhiều tiếng đồng hồ, áp dụng những kỹ thuật nhiếp ảnh rất phức tạp. Nếu bạn xác định theo con đường này, bạn cần có tài chính rất mạnh.

Đồ nghề "rùng rợn" của nhiếp ảnh gia thiên văn chuyên nghiệp

 

Chụp hiệu ứng vệt sao (star trail)

Các sai lầm phổ biến khi phơi sáng

Để máy trên nền không ổn định làm máy bị rung

Không setup máy chụp sau 2 giây, không có điều khiển từ xa, ảnh bị nhòe sau khi ấn nút chụp

Phơi sáng lâu làm các vệt sáng bị cháy, hỏng ảnh. 

Sử dụng kinh lọc UV không tốt, làm xuất hiện các ảo ảnh, sắc sai trên ảnh


Phơi sáng quá lâu làm các vệt sáng bị cháy, hỏng ảnh + UV không tốt làm xuất hiện các ảo ảnh thừa trên các nguồn sáng

Không mang pin dự phòng, hết pin giữa chừng.

Không mang chân máy hoặc chân máy quá yếu gây nhòe ảnh

Kết luận

Phơi sáng là một kỹ thuật nhiếp ảnh hết sức lý thú và có mức độ ứng dụng rất rộng. Nó khiến những tấm ảnh chụp phong cảnh, kiến trúc của bạn lung linh lộng lẫy hơn rất nhiều. Hãy bắt đầu chỉ cần một chiếc máy ảnh DSLR, một ống kính góc rộng, một chân máy, và bạn đã sẵn sàng để phơi sáng ra những tấm ảnh tuyệt vời rồi đó. 

Các bài liên quan:
Kính lọc là gì - các loại kính lọc khác nhau

Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com. 

 DMCA.com Protection Status


Comment

{fcomment}

 

Related Articles