Tỷ lệ 1/3 chỉ là một trong những kỹ thuật cơ bản trong nguyên tắc bố cục và nó cũng mới chỉ chạm tới bên ngoài của kho kiến thức về sắp xếp trong nhiếp ảnh, còn nhiều kiểu bố cục tinh tế khác mà các nhiếp ảnh gia cần khám phá thêm để có những tác phẩm thực sự khác biệt.
- Các bố cục kinh điển trong chụp chân dung
- [Video] Phá vỡ quy tắc bố cục cơ bản trong chụp chân dung
- 30 mẹo hay về bố cục để có bức ảnh đẹp
- Thách thức 'khó nhằn': chụp chân dung đẹp ở địa điểm 'xấu' chứng minh tài năng người cầm máy mới quan trọng
- 4 nhiếp ảnh gia hàng đầu NewYork thử tài chụp chân dung cùng một mẫu (2)
1) Định nghĩa
Nói đơn giản, bố cục là sự sắp xếp các đối tượng & thành phần liên quan theo một trật tự nào đó về ánh sáng, vị trí, màu sắc... để tạo nên ý tưởng và không gian mà nhiếp ảnh gia muốn truyền đạt. Nếu bạn có một chủ đề thú vị - cho dù điều kiện ánh sáng rất tốt – để có bức ảnh đẹp còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và cách khai thác góc chụp.
Những quy tắc này thực chất chính là sự đúc kết kinh nghiệm từ những người đi trước chia sẻ, truyền đạt lại và được ứng dụng rộng khắp bởi tính hiệu quả của nó. Trong nhiếp ảnh, không có bất cứ quy tắc nào là luôn luôn đúng. Bạn có thể thay đổi hoặc sáng tạo nhiều kiểu sắp xếp cho tác phẩm của mình toát lên được ý tưởng, đôi khi chỉ cần những thay đổi nhỏ như di chuyển về phía trước/ngược lại, sang trái hay phải, phóng to thu nhỏ là bức ảnh đã khác đi nhiều. Nếu khéo léo, đây chính là cơ chế mạnh mẽ để truyền tải thông điệp qua bức ảnh.
NIKON D7000 + 24mm f/1.4 @ 24mm, ISO 250, 1/200, f/7.1
Tác giả đã chọn bố cục này rất cẩn thận để 'đóng khung' con cua giữa các nhánh cỏ.
2) Các thành phần của bố cục
Các điểm, đường kẻ và hình khối: Ở mức cơ bản nhất, đây là những yếu tố chính của bố cục.
Bố cục tốt đòi hỏi sự cân đối tốt. Hãy quan tâm tới bất cứ thứ gì xuất hiện trong ảnh của bạn – chủ thể chính, hình nền, chi tiết nhỏ bé thậm chí những thứ có vẻ không có vai trò chính gì ví dụ như các điểm, đường nét và hình dạng.
Bạn nên để ý đến những thành phần trong ảnh có hình khối phức tạp, như khuôn mặt hoặc đám cỏ (ảnh minh họa trên). Các yếu tố chính sẽ nhờ bố cục tô mạnh cho ý tưởng và đó cũng là cách chúng kết nối với nhau. Việc sắp đặt khéo léo có thể hướng mắt người xem đến những thành phần quan trọng nhất của tác phẩm, đôi khi còn có thể theo thứ tự rất riêng biệt.
Để hiểu rõ hơn, mời bạn tìm hiểu các so sánh side-by-side của những bức ảnh hoàn hảo trong sắp xếp bố cục. Ví dụ đầu tiên là tác phẩm của Yosemite:
Theo mô phỏng ở bản vẽ dưới, bạn có thể thấy hình ảnh rất cân bằng về tỉ trọng đối tượng hướng mắt người xem trên cả hai nửa của khung:
Ảnh tiếp theo của Death Valley có bố cục linh động hơn với đường chéo mạnh chạy theo chiều dài bức ảnh:
Cuối cùng là ảnh minh họa của Jökulsárlón chụp ở Iceland, điểm nhấn là một tảng băng trôi gần đến tâm ảnh. Ở đây, bạn có thể thấy các đường ranh giới và hình khối rõ ràng:
3) Ý tưởng
Bố cục tốt không cần phải lúc nào cũng phải làm theo một quy tắc chung cho phần lớn các bức ảnh của bạn (ví dụ là quy tắc của 1/3). Thông điệp toát lên mới là phần quan trọng nhất để làm nên một bức ảnh hay và ý nghĩa. Điều tệ là một bức ảnh có thể đẹp về kỹ thuật nhưng lại không rõ nội dung muốn nói gì hoặc không mang nhiều ý nghĩa. Tất cả mọi thứ tồn tại đều có một lý do cúa nó, kể cả những thành phần phụ.
Bố cục của bức ảnh trên đã được nhiếp ảnh gia sắp xếp cố ý. Tác giả cho biết đã phải đợi vài phút và thử nhiều lần để chụp được ánh đèn ở đúng nơi theo ý tưởng của mình: "Cụ thể, tôi cần phải đợi cho đến khi tia sáng (quay 360 độ) chiếu trực tiếp vào mình để nó trông như thể đang chiếu thẳng lên. Tôi không chỉ đơn giản cầm máy và chụp ảnh Tháp Eiffel mà đã sắp xếp ý tưởng của mình từ trước. Trước khi chụp, tôi thường nghĩ đến một hình ảnh trong tâm trí và làm mọi thứ có thể để biến ý nghĩ đó thành hiện thực."
4) Sự đơn giản
Mỗi bức ảnh nên có một thông điệp cảm xúc riêng. Khi chụp ảnh, một trong những điều nên làm là suy nghĩ có ý thức về thông điệp tình cảm mình muốn thể hiện. Đó là nơi sức mạnh của sự đơn giản đi vào...
Nếu bạn đang cố truyền đạt về vẻ đẹp cảnh quan, hãy cố tránh mọi thứ cản tầm nhìn ra khỏi ảnh, kể cả các chi tiết nhỏ. Đó có thể là đường dây điện, dấu chân ở tiền cảnh, chi tiết thừa trong khung, v.v ...
Đừng áp đảo người xem với quá nhiều thông tin, trừ khi mục tiêu của bạn thực sự là chụp một bức ảnh thể hiện sự rắc rối, hỗn độn.
NIKON D7000 + 105mm f/2.8 @ 105mm, ISO 1250, 1/100, f/3.5
"Không có phần tử thừa nào trong ảnh này lấy đi thông điệp của tôi. Mỗi yếu tố tồn tại đều có một lý do."
5) Sự cân bằng
Một trong những điểm quan trọng mà tôi thường nghĩ đến khi sắp xếp ý tưởng cho một bức ảnh là sự cân bằng.
Cân bằng khá là đơn giản. Để bắt đầu, tất cả những gì bạn cần làm là tự hỏi mức độ sức hút của các chủ thể chính trong bức ảnh. Các vật thể dễ gây chú ý người xem, ví dụ như những vật sáng, màu bão hòa, đôi mắt, con người, động vật, những vật có độ tương phản cao và các yếu tố bất thường - bất cứ điều gì thu hút mắt người.
Sau đó, xác định xem trọng lượng các thành phần chính/phụ được phân bố đều trên khung (từ trái sang phải). Nếu chúng tương xứng, đó là một bức ảnh cân bằng.
Bức ảnh của bạn có cân đối không? Để tìm ra, hãy suy nghĩ về tỉ trọng của các thành phần có mặt. Sau đó, hãy tưởng tượng đặt bức ảnh trên một điểm tựa như trên trò chơi bập bênh. Hướng nào mà nó nghiêng về nhiều hơn?
Việc này có thể liên tưởng giống như một cái cầu bập bênh, bạn có thể tạo sự cân bằng một vật nặng "nặng" - chủ thể chính của bạn - với vật "nhẹ hơn", miễn là vật nhẹ nằm xa cạnh của bức ảnh (giống như phải cân bằng một đứa trẻ và một người lớn trên một chiếc cầu bập bênh). Hãy xem ảnh minh họa dưới đây:
NIKON D800E + 105mm f/2.8 @ 105mm, ISO 400, 1/800, f/2.8
Ở đây, con chuồn chuồn có "sức nặng" hơn, trong khi bóng cành cọ ở phía bên phải lại "nhẹ cân" hơn nhiều. Tuy nhiên, bóng cây lại đặt ở sát cạnh khung hình, còn con chuồn chuồn đặt khá gần tâm bức ảnh. Vì vậy, xét tổng thể khi đưa lên hai bên "cầu bập bênh", đây là một hình ảnh cân bằng.
Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, bạn có thể tùy chọn chụp ảnh cân bằng hoặc ảnh không cân bằng bởi không có định nghĩa cái nào tốt hơn cái nào. Điều quan trọng là cả hai đều truyền tải cảm xúc khác nhau, tùy theo ý tưởng người chụp.
- Hình ảnh cân bằng toát lên sự bình yên, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
- Ảnh bị mất cân bằng dễ tạo cảm giác bất an và lay động.
Nếu bạn đang chụp cảnh một hồ nước nhẹ nhàng vào lúc mặt trời mọc, có thể bạn sẽ không muốn ảnh mất cân bằng. Cách thể hiện bố cục phụ thuộc vào tâm trạng bạn đang cố gắng truyền đạt vào bức ảnh.
NIKON D5100 + 18-55mm f/3.5-5.6 @ 32mm, ISO 100, 6 giây, f/22.0
Hình ảnh này bị mất cân bằng ở bên trái. Việc đó càng khiến nó toát lên cái động và 'sống' của bức ảnh.
6) Không gian thoáng rộng
Khi có nhiều điểm cần quan tâm, bạn có thể tạo một "không gian mở" bằng cách tách chúng ra xa. Nếu không, các đối tượng trong ảnh sẽ dễ bị đan chồng vào nhau. Hãy suy nghĩ về một tình huống khi bạn muốn chụp một con chim đang bay trên trời và lại xuất hiện thêm vài con, bạn muốn chụp tất cả trong một bức ảnh duy nhất. Tốt hơn là hãy lùi lại để tạo thêm khoảng trống giúp không gian rộng thoáng hơn.
NIKON D7000 + 105mm f/2.8 @ 105mm, ISO 100, 1/320, f/3.5
Tất cả các ảnh chụp của tác giả ở đây có rất nhiều không gian để 'thở'. Tương tự như vậy, xem ở hình dưới, nếu bạn đang chụp ảnh một ngọn núi, và đỉnh núi gần như chạm vào cạnh trên cùng bức ảnh. Trong trường hợp đó, nó sẽ thu hút sự chú ý không mong muốn và có khả năng thể hiện một cảm giác bất an. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu các đối tượng trong hình có chỗ đứng riêng, lấy góc sao cho đỉnh núi không còn hướng 'chĩa' vào rìa ảnh và không bị cản trở bởi bất cứ điều gì khác. Điều đó giúp bạn gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự tự do thoải mái và gắn kết đến người xem của mình.
NIKON D800E + 70-200mm f/4 @ 175mm, ISO 200, 1/25, f/5.6
Không có vật nào nhô lên chĩa về bên cạnh của khung, và chủ thể chính của tôi (dê núi) có cả khoảng không gian bao la phía sau.
7) Không gian tích cực và tiêu cực
Không gian tích cực là bất cứ thứ gì nổi bật trong bức ảnh và thu hút sự chú ý. Không gian tiêu cực mang ý nghĩa ngược lại – nhiều vùng ảnh mờ dần vào phía nền và không thu hút mắt nhìn. Bạn có thể chụp ảnh với số lượng lớn không gian tiêu cực, số lượng lớn không gian tích cực, hoặc một nơi nào đó không rõ ràng. Tất cả đều truyền tải cảm xúc khác nhau.
Các bức ảnh chứa đầy không gian tiêu cực có một cảm giác trống rỗng, yên lặng và cô lập. Chúng có khuynh hướng đưa hình ảnh về sự tối giản, và chúng thể hiện tốt khi bạn cố gắng đưa ra một cảm giác đồ sộ, ngồn ngộn hoặc sự cô đơn. Một cây còn lại đứng cô độc trong cơn bão tuyết sẽ hộ tụ đủ điều kiện như mô tả ở trên, và bức ảnh dưới đây sẽ mang lại cảm giác như thế nào:
NIKON D7000 + 24mm f/1.4 @ 24mm, ISO 100, 1/640, f/4.0
Bởi vì tất cả các không gian tiêu cực, hình ảnh này truyền tải một cảm giác cô lập.
Những bức ảnh có nhiều không gian tích cực thì toát lên sự bận rộn và năng động. Chúng bao gồm rất nhiều chi tiết nhỏ gây chú ý, mặc dù nhược điểm là sự đông đúc làm rối thêm đối với sự đơn giản và rõ ràng trong thông điệp của bạn - nếu bạn không cẩn thận.
NIKON D800E + 70-200mm f/4 @ 200mm, ISO 100, 1/500, f/6.3
Ảnh này có nhiều không gian tích cực toát lên sự bận rộn và năng động hơn.
Nếu đây không phải là những gì bạn đang muốn hướng tới thì có thể điều chỉnh bố cục của mình để thay đổi tỷ lệ không gian tích cực sang không gian tiêu cực. Với cảm nhận và ý nghĩa khác nhau mà bố cục truyền tải, đây là một công cụ tuyệt vời để giúp bạn thể hiện cảm xúc của mình.
8) Các khuôn mẫu (pattern) và mối liên hệ
Hãy cẩn thận trong một số trường hợp, bạn có thể chụp những bức ảnh mang nhiều khuôn mẫu và tồn tại những mối quan hệ phức tạp thay vì chỉ cần một bản thể đơn giản. Ví dụ: Bạn có thể chụp ảnh cảnh quan với hoa màu cam ở tiền cảnh, và ánh sáng màu cam trên những ngọn đồi xa. Hoặc, bạn có thể nắm bắt một đám khói bay lên từ một ngọn núi lửa vào ban đêm, và phù hợp với hình dáng của dải ngân hà phía trên bầu trời.
Nhiếp ảnh có khả năng thể hiện rất sâu sắc mối quan hệ giữa các sự vật sự việc, thể hiện nhân sinh quan của người chụp và nói lên nhiều ý nghĩa cuộc sống. Nó không phải là thứ luôn có thể tìm thấy, nhưng bạn nên giữ cách nhìn rộng hơn, xa hơn. Khi một bức ảnh có mối tương quan liên tưởng đặc biệt giữa các chủ thể, nó sẽ cho người xem cảm giác hoàn toàn kết nối và truyền cảm hứng.
Hình dạng của các tảng đá nhô lên này tương đối giống những đám mây dài, đường mỏng phía trên bầu trời. Điều đó làm cho phần trên cùng và dưới cùng của bức ảnh có sự kết nối với nhau, thậm chí cả về tiềm thức.
9) Kết luận
Việc am hiểu sâu sắc về các kiểu bố cục không phải là điều đơn giản vì nó vô cùng phong phú. Người chơi càng tìm tòi thì càng ra nhiều sáng tạo mới. Ngay cả những nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất cũng không bao giờ dám nhận mình am hiểu hết toàn bộ, vì bố cục trong nhiếp ảnh không phải là thứ bạn luôn có thể làm chủ được hoàn toàn.
Nếu thực hiện đúng các gợi ý trên có thể sẽ giúp cho các bức ảnh của bạn thực sự nổi bật so với số đông. Điều quan trọng hơn cả, nếu bạn thực sự đam mê và yêu tìm tòi khám phá thì có thể tự tìm ra bố cục hay cho riêng mình. Chỉ cần kiên trì, thời gian sẽ luôn ủng hộ bạn. Hi vọng rằng, các mẹo trong bài viết này sẽ cho chúng ta một điểm khởi đầu tốt.
Theo Photographylife