DxOmark: "Người phán xử" hay quân cờ marketing trong giới smartphone?

Thời gian gần đây, điểm số đánh giá của DxOMark được nhắc tới rất nhiều lần bởi cả các nhà sản xuất, những người đánh giá sản phẩm công nghệ và cả người dùng. Chúng ta sẽ đi tìm hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời của trang web này, và trả lời một câu hỏi mà chắc hẳn ai cũng đã từng nghĩ tới: liệu những con số đáng tin hay không?

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Mỗi khi ra mắt một sản phẩm mới, các hãng smartphone cũng không quên đem điểm DxOMark của mình ra để 'khoe' rằng sản phẩm của mình có khả năng chụp hình tốt hơn so với các đối thủ. Thế nhưng trong thời gian đầu, DxOMark không được thành lập để đánh giá smartphone.

Ngược dòng thời gian tới 2003, DxOMark Image Labs được thành lập dưới danh nghĩa một hãng con của công ty Pháp DxO Labs, chuyên đánh giá chất lượng máy ảnh, ống kính và cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các nhà sản xuất sản phẩm nhiếp ảnh. Công ty mẹ DxO Labs bên cạnh đó còn sản xuất các sản phẩm phần cứng, nổi bật là dòng máy ảnh DxO One có khả năng gắn vào smartphone để cho chất lượng ảnh cao hơn so với hệ thống camera tích hợp sẵn. Đến 2008, trang web DxOMark.com mới chính thức được thành lập, đăng tải hàng trăm bài đánh giá máy ảnh đã được hãng thực hiện trước đó.

 

 

Hãng chỉ bắt đầu đánh giá chất lượng hệ thống camera trên smartphone vào 2012. Các smartphone được đánh giá trên các tiêu chí bao gồm:

 

  

2017 là năm DxOMark.com trải qua nhiều thay đổi nhất, khi công ty mẹ DxO Labs thông báo phá sản vì làm ăn thua lỗ, nên DxOMark Image Labs chính thức tách ra và trở thành một công ty độc lập. Cũng trong thời kỳ này, hãng nâng cấp bài thử smartphone của mình, với cam kết rằng mỗi dòng sản phẩm được đem ra đánh giá sẽ có 1500 bức hình chụp tĩnh và 2 giờ video để bài thử trở nên công bằng, có tính chính xác cao.

QUYỀN LỰC LỚN, TIẾNG NÓI CÓ TÍNH QUYẾT ĐỊNH

Điểm khác biệt giữa DxOMark và các trang web đánh giá chất lượng ảnh khác đó là hãng không tập trung vào các thiết kế bên ngoài, những tính năng phụ trợ mà chỉ đánh giá duy nhất 2 yếu tố: chất lượng cảm biến (sensor) và chất lượng quang học của ống kính, từ đó tổng hợp tạo ra tính kỹ thuật của bức ảnh cuối cùng.

Hãng sử dụng các thiết bị phần cứng và phần mềm chuyên dụng để định ra một số điểm chính xác, chứ không dừng lại ở việc chụp những hình ảnh ánh sáng tự nhiên để đánh giá theo mắt thường giống như các trang khác.

 

Chính vì lý do đó, nhiều hãng máy ảnh và đặc biệt là những nhà sản xuất smartphone đã đem số điểm đánh giá DxOMark ra để làm tiêu chuẩn so sánh sản phẩm của mình với các hãng khác. Một số hãng đã sử dụng điểm của website này trong buổi giới thiệu, thậm chí dựa vào đó để quảng cáo sản phẩm của mình vượt trội so với các hãng khác có thể kể tới HTC, Google với dòng Pixel và Huawei, thường là các hãng có smartphone đứng đầu bảng xếp hạng.

Như dòng máy P30 Pro mới được ra mắt của Huawei, hãng cũng dành một phần thuyết trình để 'khoe' về điểm DxOMark của máy. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì P30 Pro có các nâng cấp dành cho việc chụp hình rất ấn tượng và đã đạt số điểm cao nhất trên bảng xếp hạng của DxOMark. Chưa nói tới chất lượng chụp hình trên thực tế, nhưng một dòng máy mới ra mắt đã được một bên thứ 3 đánh giá tốt hơn so với các dòng máy trên thị trường thì chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của người dùng cũng như giới chuyên gia.

 

Vô hình chung, điểm số DxOMark không dừng lại là công cụ để tham khảo dành cho người dùng mà còn là một thông số quảng cáo của các smartphone được bán ra trên thị trường. Các hãng không cần phải dùng những từ ngữ của riêng mình để tâng bốc sản phẩm, cứ 'trưng' điểm số DxOMark ra là được.

NHỮNG LỖ HỔNG TRONG CÁCH THỨC ĐÁNH GIÁ

DxOMark ngay từ ngày thành lập đã trở thành tâm điểm của những tranh cãi trong giới nhiếp ảnh. Họ sử dụng các thiết bị thử nghiệm hiện đại, cùng với những bài thử tiêu chuẩn nên tính chính xác luôn luôn được đảm bảo.

Nhưng ngược lại, những bài thử mang tính khô cứng này cũng không thể thể hiện được hết những tính chất của một chiếc máy ảnh. Có những dòng máy có cảm biến tuyệt vời, với điểm chi tiết, vùng chuyển sắc độ, khả năng khử nhiễu rất tốt, nhưng khi sử dụng thực tế lại dở tệ vì có thể thiếu tính năng, khả năng lấy nét kém, hay đơn giản là thiết kế khó sử dụng.

 

 

Ví dụ như chiếc máy ảnh Hasselblad X1D, hiện đang là chiếc máy ảnh có điểm số cao nhất trong bảng xếp hạng DxOMark - đây là một chiếc máy ảnh có cảm biến Medium Format lớn với chất lượng màu và khả năng khử nhiễu vượt tầm những máy ảnh Full-Frame cao cấp nhất. Nhưng theo những bài đánh giá thực tế, thì chiếc máy này hoạt động rất chậm, có hệ thống lấy nét kém, kèm theo đó là các ống kính có chất lượng quang học không tương xứng nên mặc dù cảm biến rất tốt nhưng những bức hình cuối cùng lại thua máy ảnh Full-frame.

Không ít nhiếp ảnh gia thậm chí còn căm ghét DxOMark, và nói rằng trang này đang biến nhiếp ảnh thành một ngành kỹ thuật chứ không phải một bộ môn nghệ thuật nữa. Nhiều người chơi lấy điểm DxOMark ra để 'khè nhau', nói rằng máy ảnh và ống kính của mình có chất lượng cao, song cuối cùng không biết cách chụp hình, hay không rèn luyện con mắt nghệ thuật nên những hình chụp lại tệ hại hơn cả những người sử dụng máy ảnh rẻ tiền nhưng đã đi chụp nhiều năm.

Quả thực, chất lượng máy ảnh chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong quá trình sáng tác, người chụp mới là yếu tố tiên quyết.

 

Những bài đánh giá smartphone của trang cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích của giới đánh giá sản phẩm này. Trang Android Central đã có một bài viết với tiêu đề Why DxOMark scores are basically worthless - Tại sao điểm DxOMark có thể coi là vô dụng. Trong bài viết này, những phóng viên chỉ ra rằng đã có nhiều lần điểm được lấy từ DxOMark không đúng với những trải nghiệm trên thực tế.

Một số người dùng còn cho rằng trang này đã 'thông đồng' với một vài nhà sản xuất smartphone để nâng số điểm của các sản phẩm của họ lên cao hơn các đối thủ. DxOMark sẽ cung cấp quy trình thử nghiệm của họ cho các đối tác, giúp họ có thể tinh chỉnh hệ thống chụp hình của sản phẩm để đạt số điểm cao nhất. Những đối tác đã được công bố của website này bao gồm OnePlus, HTC và Google. Vào 2017, nhiều người đã phải lên tiếng phản đối vì tại sao chiếc LG G6 lại có số điểm chỉ bằng Moto G4 Plus (Moto là công ty con của Google) đã được ra mắt hơn 1 năm trước đó.

 

 

Tất cả các bài thử smartphone của DxOMark được thực hiện ở chế độ tự động (không tinh chỉnh thêm bất cứ thứ gì ở phần mềm chụp hình), với lý do là để tạo ra sự công bằng nhất có thể. Vấn đề nảy sinh khi các sản phẩm đời mới đều có các tính năng đặc biệt giúp tận dụng được sức mạnh của hệ camera và không đặt ở chế độ tự động.

Như dòng Pixel 3 và 3 XL chẳng hạn, Google trang bị cho 2 chiếc máy này khả năng chụp ảnh đêm Night Sight để thu được lượng sáng nhiều hơn thông thường, và đã được nhiều người đánh giá rất cao nhưng lại bị bỏ qua trong bài thử. Ngược lại, đã có những vụ việc các nhà sản xuất smartphone 'ăn gian' quy trình này để có điểm cao hơn các hãng khác. Mới đây, người dùng đã phải 'gãi đầu gãi tai' vì Xiaomi Mi 9 có điểm quay video cao thất thường, nhưng khi tìm hiểu kỹ thì mới biết được rằng hãng đã đặt chế độ quay phim tự động ở độ phân giải 4K chứ không phải Full-HD như thông thường.

DẸP, XẤU VẪN NẰM Ở MẮT NHÌN CỦA MỖI NGƯỜI

Trong một video được đăng tải vào cuối năm ngoái, Youtuber Marques Brownlee đã thực hiện một bài thử camera mù (blind test), tức anh sẽ cung cấp cho người dùng những bức hình mà không cho họ biết chúng được chụp từ smartphone nào để đảm bảo tính công bằng. Và kết quả thật bất ngờ, khi có những dòng máy bị DxOMark đánh giá thấp nhưng lại chiến thắng các dòng máy có điểm cao hơn rất nhiều. 

Như chiếc BlackBerry Key One dành chiến thắng trước Apple iPhone XS, dòng máy Pocophone giá rẻ bị mọi người chê về chất lượng chụp hình lại vượt mặt iPhone X, chiếc Hydrogen One cũng chiến thắng P20 Pro - một điều vô cùng lạ lùng.

 

Có 2 lý do chính để người dùng đưa ra quyết định đi ngược hoàn toàn với những đánh giá của giới chuyên gia, trong đó có điểm số của DxOMark. Đầu tiên, những bức hình được đăng lên web (Instagram, Facebook, Twitter) thường có chất lượng thấp hơn rất nhiều, nên ưu thế về chi tiết, độ nét của các dòng máy cao cấp đã bị giảm đi.

 

Thứ hai, mỗi dòng máy có một màu sắc, một cách đo sáng khác nhau, và theo anh Brownlee chỉ ra thì những người được hỏi thường chọn các bức ảnh sáng hơn, có màu đậm đà hơn, mặc dù có những bức hình có tính kỹ thuật cao hơn rất nhiều, nhưng không thu hút được sự chú ý của họ vì có cách phối màu nhạt, tối hơn.

Vậy ta cũng có thể kết luận được một điều, đó là không phải lúc nào những dòng máy đạt điểm số kỹ thuật cao cũng tạo ra các bức hình 'đẹp' trong mắt người xem. Mỗi người có một cách nhìn màu sắc, một thiên hướng ánh sáng khác nhau, nên đôi khi những máy được coi là 'kém' vẫn qua mặt được những đối thủ được đánh giá cao hơn rất nhiều.

 

HÃY COI ĐÂY LÀ MỘT CÔNG CỤ, CHỨ KHÔNG PHẢI YẾU TỐ TIÊN QUYẾT

Trở lại với câu hỏi ở đầu bài:  Nhìn một cách tổng thể, bảng xếp hạng của họ vẫn có giá trị, khi đặt những sản phẩm (máy ảnh, ống kính và smartphone) tốt nhất lên đầu, và đẩy những dòng máy quá kém xuống cuối. Nhưng những sản phẩm trong cùng 1 phân khúc, thì người dùng sẽ phải trải nghiệm để biết được chất lượng thực tế ra sao, hay có hợp với mình hay không.

 

Hơn nữa, như đã đề cập thì máy ảnh và smartphone không chỉ có chất lượng hình ảnh là quan trọng nhất. Với máy ảnh, ta còn phải để tâm tới tốc độ lấy nét, thiết kế, độ bền, hệ thống ống kính và giá thành. Với smartphone, ta có quá nhiều yếu tố nữa cần quan tâm như chất lượng màn hình, thiết kế, khả năng chống nước, hệ điều hành, ứng dụng...

Vậy nên, điểm DxOMark chỉ nên dùng làm một công cụ tham khảo, một yếu tố nhỏ trong quá trình chọn mua sản phẩm, chứ không nên biến nó thành tham số duy nhất để đánh giá chất lượng hình ảnh nói riêng và chất lượng tổng thể nói chung của một sản phẩm công nghệ.

 

Theo genK/Trí Thức Trẻ

>> Có thể bạn quan tâm:

Related Articles