7 ảnh Việt Nam chụp bằng drone thắng giải quốc tế Drone Photo Awards 2022

Cuộc thi Drone Photo Awards vừa công bố kết quả của năm nay. Ở hạng mục Con người, 7 tác phẩm chụp tại Việt Nam đạt giải khuyến khích.

Drone Photo Awards chính là một phần của trong cuộc thi ảnh quốc tế uy tín Siena International Photo Awards, được tổ chức đầu tiên vào năm 2015 tại Italy. Các bức ảnh tham gia được quay chụp từ những thiết bị bay như drone, diều, dù lượn, khinh khí cầu hay trực thăng. Đến năm 2022, chương trình đã thu hút hàng ngàn bức ảnh của các nhiếp ảnh gia dự thi từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, ở các hạng mục từ Con người, Tự nhiên cho tới Đô thị, Thể thao. Sau đó, tất cả các bức ảnh đoạt giải và lọt top đẹp nhất sẽ được trưng bày tại triển lãm Above Us Only Sky trong một tháng, kể từ tháng 10 tại Siena, Italy.

 

Ảnh: "Thu hoạch cỏ bàng" của Nguyễn Hữu Bính

NAG Nguyễn Hữu Bính cho hay bức ảnh chụp người dân đang vận chuyển, kết các bó cỏ bàng để kéo về trên ruộng vào tháng 12/2021 ở xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, Long An. Cỏ bàng chính là nguyên liệu trong sản xuất ống hút thay thế cho ống hút nhựa góp phần bảo vệ môi trường.

 

 

Tác phẩm "Phơi bánh tráng" của Nguyễn Phước Hoài chụp người dân lật mặt bánh tráng khi đang phơi khô tại làng nghề truyền thống bún khô, bánh tráng An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định. Làng nghề này đã tồn tại hơn 100 năm tuổi, tọa lạc bên hữu ngạn sông Côn.

Việc làm bánh tráng qua nhiều công đoạn như nhóm lửa, xay, nhào bột gạo, đúc khuôn bánh cho ra sợi bánh, sau đó tráng bánh, đưa lên vỉ tre phơi nắng trên bãi cát bên sông.

 

Bức ảnh "Phơi cói" của Nguyễn Linh Vinh Quốc. Cói sau khi được nhuộm rồi phơi khô tại làng chiếu cói Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 30 km. Làng chiếu cói Phú Tân đã tồn tại trên 100 năm, mùa thu hoạch cói rất nhộn nhịp với nhiều công đoạn, từ thu hoạch cói tươi rồi đem phơi, nhuộm, sau đó dệt thành chiếu. Sản phẩm chiếu cói ở nơi đây nổi tiếng khắp cả nước.

"Những người phụ nữ trải sợi cói đủ màu sắc để phơi. Họ làm việc như những nghệ sĩxếp hình, sắp xếp các sợi cói với các màu sắc xen kẽ nhau, tạo ra các mô hình tuyệt vời", NAG Quốc chia sẻ.

 

Tác phẩm "Đi qua vườn bắp cải" của tác giả Nguyễn Phúc Thành chụp cảnh người phụ nữ gánh bắp cải băng qua cánh đồng đang vào vụ thu hoạch ở vùng nông thôn xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

"Lam Điền là nơi chuyên trồng, sản xuất các loại rau cải. Lúc tôi đi hái bưởi ở nhà bạn về, đi ngang qua vườn bắp cải thấy khung cảnh đậm chất quê nên chụp lại", anh Thành cho hay.

 

Tác phẩm "Quây lưới bắt mực" của Nguyễn Tấn Tuấn chụp tại vùng biển Bình Châu. Đây là một trong những xã biển nổi tiếng nhất ở Bình Sơn, Quảng Ngãi với hàng trăm tàu thuyền khai thác xa bờ. Ở gần bờ biển, hệ sinh thái dưới nước phong phú. Ngoài đánh bắt cá, mực, ngư dân nơi đây còn khai thác rong vào khoảng tháng 5-7 hàng năm.

"Quá trình kéo lưới bắt mực được thực hiện cẩn thận để đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái rong. Đây là loại rong mơ, sinh sản và phát triển tự nhiên tại vùng biển này", anh Tuấn nói.

 

Tác phẩm "Mùa xuân trên đồi chè" của tác giả Phạm Huy Trung chụp tại tu viện Bát Nhã thuộc Đam B’ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Anh cho biết mùa xuân Bảo Lộc được nhuộm vàng bởi phật y, một tên gọi khác của hoa phượng vàng. Sắc vàng của hoa tương phản với nền xanh đồi chè tạo khung cảnh nên thơ.

Tác phẩm "Mùa đánh bắt cá cơm" của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện, sáng tác vào tháng 6/2019 trong chuyến săn ảnh đúng mùa cao điểm đánh bắt cá cơm dọc biển Hòn Yến thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 15 km.

Hòn Yến là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ của các ghềnh đá cùng những làng chài bình yên. Cảnh thả lưới này là hình ảnh thường xuyên gặp vào mùa đánh bắt cá cơm ở nơi đây. Qua góc nhìn trên cao, bức tranh cho thấy sự tương phản thú vị của màu sắc và tạo hình độc đáo từ những tấm lưới.

 
Ảnh: Drone awards

Theo Vnexpress


Related Articles