Trong video này, Duytom sẽ đánh giá Canon R10 trên khía cạnh các tính năng quay phim cho người mới. Sau đó chúng ta sẽ so sánh với Sony A6400, cũng trên phương diện máy nào phù hợp với các anh chị em newbie. Now, let's go!
-
Máy ảnh không gương lật Canon EOS R7, R10 hoàn toàn mới đã ra mắt
-
Sony công bố a6400: Real-time Eye AF, real-time tracking, AF nhanh nhất thế giới
CẢM GIÁC CẦM TAY
Ảnh chụp màn hình
Về cảm quan bên ngoài, chiếc EOS R10 nhỏ gọn, xinh xinh, nó chỉ to hơn chiếc R50 một chút. Máy nhiều phần làm bằng nhựa nên rất nhẹ. Khi bạn cầm nó sẽ cảm giác không cứng cáp như mấy chiếc full-frame. Tuy là Crop, nhưng R10 có view-finder khá to, màn hình xoay lật, cảm ứng.
Nhìn qua, ai cũng thấy R10 to hơn A6400, tuy kích thước trông lớn hơn nhưng R10 lại không mang lại cảm giác chắc chắn bằng vì A6400 vỏ ngoài bằng kim loại, cứng cáp và nặng hơn
SO SÁNH CHỨC NĂNG
CANON R10
Trong clip này, DuyTom tập trung vào đánh giá khả năng quay phim của R10. Chiếc máy khá mạnh mẽ! Trước hết là R10 cung cấp chế độ quay tự động hoàn toàn, bạn có thể dễ dàng quay setup thông số bằng tay theo ý muốn, và phía dưới cùng là quay HDR.
QUAY 4K
R10 quay được 4K 30 khung hình/giây, hoặc 4K 24 fps. Cả hai định dạng này đều không bị crop hình. Điều đặc biệt là R10 cho phép quay 4K 60 fps, là tính năng quay rất mạnh mẽ, xét trên phương diện đây chỉ là chiếc máy cho người mới chơi, nghiệp dư. Định dạng 40K60 này thì khung hình sẽ bị crop.
QUAY SLOW-MOTION
R10 quay được fullHD, chậm 5 lần ở mức 120 khung hình/giây.
HDR shooting là tính năng rất hay, giúp ta quay cảnh tương phản cao, mà ta sẽ đề cập tới trong phần sau.
QUAY TIMELAPSE
Timelapse movie giúp ta quay phim kiểu timelapse, cái hay là chiếc máy có thể kết xuất đoạn phim luôn, ta không cần phải ghép lại trong phần mềm.
Về chống rung, R10 không có chống rung vật lý nhưng có chống rung bằng phần mềm với 2 mức tiêu chuẩn và tăng cường.
SONY A6400
Sony A6400 sở hữu vỏ ngoài cứng cáp hơn, vì khung nó bằng kim loại, chắc chắn hơn. Thông số trên màn hình A6400 rất nhiều. Phần Menu của A6400 cũng dày đặc thông tin và nhiều thông tin kỹ thuật. A6400 sẽ cung cấp rất đầy đủ thông số cho người có kinh nghiệm, nhưng với người mới thì chắc chắn sẽ phải học lâu hơn so với Canon R10.
THIẾT KẾ PHÍM ĐIỀU KHIỂN
Về các phím điều khiển thì người mới sẽ thấy Canon R10 có phần dễ sử dụng hơn so với A6400. Tuy nhiên A6400 lại cung cấp các nút bấm có thể customize lại được C1, C2, C3. Nên đâu đó ta thấy Canon R10 hướng nhiều tới người mới chơi, trong khi A6400 có tập khách hàng là những người đã biết, bán chuyên, hoặc thậm chí dân chuyên dùng làm máy backup.
SO SÁNH QUA THỰC TẾ CHỤP ẢNH MẪU NGOÀI TRỜI
Mình tham gia workshop của nhóm nhiếp ảnh Fotovui. Hôm nay DuyTom mang theo buổi test dùng R10 với lens 24-105mm thường, còn A6400 lắp cùng ống 16-70mm f/4. Mình setup hai máy giống thông số, Picture Style và Picture Control đều thiết lập kiểu Chân Dung.
SO SÁNH VỀ MÀU SẮC
Cái 'đập vào mắt' ngay lập tức là màu Canon sẽ hơi hồng hồng, đúng kiểu chất Canon từ trước tới nay. Các chị em Việt Nam mình thì hầu hết là thích tông hồng đỏ. Sony màu gốc sẽ có tông hơi xanh vàng. Đây là tông màu sang trọng, bên Châu Âu và Mỹ họ hay chuộng kiểu màu này.
Ảnh chụp màn hình
Về độ sắc nét và chi tiết, ta thấy 2 máy đều 1 chín 1 mười. Gần như nhau. Kể cả khi phóng to ra thì 2 máy đều giữ chi tiết rất tốt. Ở đây ta phải dành lời khen cho cả hai máy. Canon R10 thì quay 4K rất ổn dù nó chỉ là chiếc máy nghiệp dư, còn A6400 cũng rất 'bá đạo' với công nghệ từ 2019 mà đã được như này.
Về hậu kỳ, mình thấy cả 2 máy đều khá dễ hậu kỳ. Ta hoàn toàn có thể biến màu Sony từ vàng xanh trở thành giống màu Canon như này.
Ảnh chụp màn hình
Ở chiều ngược lại, máy Canon đang đỏ hồng cũng có thể biến thành màu Sony, khó hơn một chút nhưng vẫn làm được.
Như vậy nếu các bạn muốn quay phát 'ăn ngay' thì có thể cân nhắc giữa đỏ hồng Canon, hay xanh vàng Sony. Còn nếu bạn đã biết hậu kỳ thì màu cũng không quan trọng lắm, vì ta có thể chỉnh trong phần mềm.
Khi quay 24fps, cả hai máy đều không bị crop khung hình như này:
Khi quay 30 FPS, R10 sẽ có ưu thế hơn khi nó không bị crop khung hình, giữ nguyên tiêu cự. Trong khi A6400 thì bị crop. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị mất một chút góc rộng khi quay A6400, 30 FPS.
Điểm mà R10 chiếm ưu thế tuyệt đối là quay 4K 60 FPS, mặc dù đây là 4K crop, mình nhấn mạnh là nó sẽ bị crop khung hình nhưng 4K vẫn là 4K. Đây là điều A6400 không làm được. A6400 chỉ quay được FullHD mà thôi. Và khi phóng to lên thì tất nhiên FullHD không thể bằng 4K được. Quay 4K 60 khung hình/giây sẽ giúp các bạn có những thước phim slowmotion chất lượng cao, tạo cảm xúc tốt hơn.
Còn ở quay chậm 4 lần 120 khung hình/giây FULLHD, 2 máy quay gần như là giống nhau. Xem qua rất khó phân biệt được.
XỬ LÝ QUAY VIDEO TƯƠNG PHẢN CAO
Canon R10 có tính năng khá hay cho người mới chơi là HDR Movie. HDR Movie sẽ tự động cân bằng tương phản cao trong khung cảnh, bạn không cần làm gì cả. Tuy nhiên hơi đang tiếc là HDR Movie của R10 chỉ có độ phân giải Full-HD chứ không được 4K. A6400 thì không có tính năng này.
Đối với người dùng biết hậu kỳ, cả R10 và A6400 đều cung cấp những công cụ mạnh mẽ để xử lý tương phản. Canon R10 có tính năng HDR PQ, có thể cho ra những thước phim định dạng 4:2:2 10 bit màu.
Ta có thể xử lý hậu kỳ đạt được sự cân bằng gần như mắt người. Còn A6400 thì có hẳn quay SLog. A6400 hỗ trợ Slog 2, Slog 3 và Hybrid Log Gamma (HLG). Tuy nhiên thì A6400 chỉ hỗ trợ 8 bit màu chứ không được 10 bit. Rất nhiều người làm phim chuyên nghiệp không khuyến khích dùng Log với 8 bit màu. Chính vì điều này nên mình thường chọn Cine4 thay vì Slog. Khả năng quay Slog của A6400 giúp bạn hậu kỳ những khung cảnh tương phản khó rất hiệu quả.
Ví dụ cảnh tương phản này, nếu ta điều chỉnh lấy background thì chủ thể sẽ tối đen
Còn nếu để chủ thể đủ sáng thì background cháy sáng luôn
Với cái file gốc như này, thì kể cả có về hậu kỳ, thì hình ảnh cũng 'nát', bết, không thể dùng được. Và đây là lúc chúng ta cần dùng những tính năng chuyên sâu như HDR PQ trên R10, và Slog trên A6400.
Với HDR PQ của R10, file gốc quay lên đã đạt 4:2:2 10 bit màu, tương phản đã cân bằng sẵn như ta thấy ở đây.
Ta có thể hậu kỳ R10 để lên đầy đủ màu sắc như này.
Còn Sony A6400 khi quay Log file, mình set màu Gamma Cine4, Màu chính S-Gamut3.Cine, Phương trình code Rec.709, kết quả cho ra cũng là thước phim rất cân bằng, mặc dù chỉ được 4:2:0 8 Bit màu. Khi hậu kỳ thì cũng lên được đầy đủ màu sắc.
Như vậy ta có thể thấy, với cảnh tương phản cao, Canon R10 có sẵn tính năng HDR movie cho người mới chơi. Với người biết hậu kỳ thì Canon R10 có HDR PQ. Tuy nhiên R10 không có quay log file cho người dùng chuyên nghiệp, làm nghề. Ngược lại, A6400 không có tính năng hỗ trợ người dùng mới, nhưng nó có thể quay Slog file, với rất nhiều tùy chọn chuyên sâu. Đó là lý do A6400 vẫn được dùng trong môi trường dịch vụ, kiếm tiền, với vị trí là backup cho máy chính.
TIMELAPSE
Canon R10 có tính năng timelapse movie hỗ trợ người mới chơi, giúp bạn quay và kết xuất ra video luôn. Bạn không cần phải ghép lại bằng hậu kỳ. Kết quả có ngay lập tức không phải chờ đợi.
Với những người chơi nâng cao, Canon R10 có tính năng Interval timer shooting. Nó sẽ chụp ra hàng trăm tấm ảnh và sau đó bạn về ghép bằng phần mềm. Tuy tính năng này bắt buộc bạn phải biết hậu kỳ, nhưng nó có ưu điểm là bạn có thể hậu kỳ những tình huống rất khó như mặt trời mọc hay hoàng hôn, tương phản cao, chụp đêm.
Với A6400, bạn cũng chụp được timelapse, tương tự như tính năng interval timer của canon R10. Như vậy ta có thể thấy A6400 luôn hướng tới người dùng bán chuyên. Nó không có nhiều hỗ trợ cho người mới.
CHỐNG RUNG
Về chống rung, Canon R10 không có chống rung trong thân máy. Nó chỉ có chống rung điện tử gồm 2 mức tiêu chuẩn và nâng cao.
A6400 cũng không có chống rung và nó dựa vào chống rung trên lens nếu có.
Trên clip là DuyTom test mức độ chống rung của 2 máy, trong đó R10 dùng mức tiêu chuẩn và thử cả chống rung R10 ở mức nâng cao. Ta thấy R10 có chống rung ổn định hơn nhưng khung hình bị crop.
AUTO FOCUS NGƯỜI/VẬT
Về lấy nét, trong môi trường đủ sáng, cả 2 máy đều lấy nét rất tốt.
Trong môi trường tương phản, ánh sáng yếu, R10 cũng lấy nét ổn định không kém máy Sony, đây là ngạc nhiên khá thú vị. Có thể do R10 ra đời sau nên công nghệ đã được cải tiến.
PIN/QUAY LÂU QUÁ NHIỆT
Về pin và thẻ nhớ thì cả 2 máy đều hỗ trợ 1 thẻ nhớ SD. Pin thì đều là loại pin nhỏ. Ta cần mang ít nhất 2 viên pin cho mỗi buổi chụp.
Và tóm lại, qua một số bài test, ta thấy Canon R10 và A6400 mặc dù tương đồng ở nhiều điểm, nhưng nó cũng có những khác biệt rất đặc trưng. Canon R10 là máy Canon nên nó sẽ có tông hồng đỏ, trong khi A6400 có tông xanh vàng. R10 có nhiều tính năng hỗ trợ quay cho người mới chơi, có thể quay 30 khung hình không bị crop, quay slowmotion 4K 60 khung hình/giây. Xử lý tương phản cao với HDR PQ 4:2:2 10 bit màu. Trong khi đó A6400 lại tập trung vào đối tượng bán chuyên, làm dịch vụ, với khả năng quay Slog mạnh mẽ và vỏ ngoài cứng cáp, chống chịu thời tiết.
Các bạn mới vào nghề hoặc làm Vlog một mình có thể chọn Canon R10 vì sự thân thiện và dễ dùng của nó. A6400 cũng là chiếc máy rất tốt và đã được chứng minh qua thời gian, tuy nhiên nó dành cho người có trình độ bán chuyên trở lên, và bạn sẽ phải có quá trình làm quen vất vả hơn R10.
Lưu ý: Toàn bộ ảnh trong bài là ảnh Print-screen.
Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com
...............................................................................................
Đánh giá Canon EOS RP - full frame bán chuyên cho đa số người dùng
...............................................................................................
Đánh giá Canon EOS-R - Phát đại bác vào thị trường Mirrorless
...............................................................................................
Đánh giá Canon R5 Mark II: Kẻ thay đổi cuộc chơi!
...............................................................................................
Đánh giá camera: Vòng quanh Việt Nam với Canon R6!