5 lý do khiến tôi quay về với CANON khi đang dùng SONY

[DuyTom biên dịch] Thường thì lý do để chọn một chiếc camera sẽ dựa trên nhu cầu của từng người và nhiều yếu tố khách quan khác. Trong bài viết này, cá nhân tôi xin đưa ra 5 "lực hút" khiến bản thân quay trở lại với Canon.

 

Máy ảnh không gương lật của Sony Alpha a6300 

Có nhiều lý do khiến nhiếp ảnh gia yêu thích và gắn bó với một dòng máy ảnh trong 'rừng' camera của các hãng sản xuất trên thị trường. Và nếu bạn đưa câu hỏi tại một nơi tập trung nhiều nhiếp ảnh gia rằng thương hiệu máy ảnh nào mà họ thích nhất, tất nhiên ta sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.  

Thường thì lý do để chọn một chiếc camera sẽ dựa trên nhu cầu của từng người và nhiều yếu tố khách quan khác. Trong bài viết này, cá nhân tôi xin đưa ra 5 lý do khiến mình quay trở lại với Canon, kết hợp cả lý luận chủ quan và khách quan, nhưng trước tiên tôi sẽ nói cho các bạn một chút về thói quen sử dụng máy ảnh của mình trong 20 năm qua. 

Bản thân tôi đã là fan ruột của Canon trong gần 20 năm. Tôi cũng từng dùng một loạt máy phim Hasselblad medium-format, cho đến khi camera DSLR 35mm tiến tới 16MP với sự xuất hiện của Canon 1DS Mark II vào năm 2004. Sau đó, đến năm 2006, tôi không còn chơi máy ảnh film và đi sâu vào camera kỹ thuật số. 

Từng sở hữu qua ít nhất 5 chiếc máy ảnh Canon khác nhau, cho đến thời gian gần đây, năm 2016, tôi lại quyết định đầu tư sâu hơn vào công nghệ máy ảnh và đi theo hướng hoàn toàn mới. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy không còn hứng thú với việc gắn bó với một thương hiệu duy nhất, đặc biệt là nếu có những model mới có thể giúp tôi thực hiện tốt hơn và cải thiện hiệu quả công việc của mình. 

Từ giữa năm 2015 đến đầu 2016, sự “đổ bộ” của hàng loạt hãng máy ảnh mới với các "tân binh" mạnh được đầu tư về công nghệ từ nhiều nhãn hiệu khác nhau với các tính năng và chức năng mới hấp dẫn, đặc biệt nâng cấp ở khả năng quay video. Một trong số dòng máy đã thu hút tôi mạnh hơn Canon, đó chính là Sony. Hơn nữa, Sony vẫn là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Canon về nhiều mặt, tính đến thời điểm này. 

Sau đó, tôi phải tập trung nhiều hơn vào các dự án quay phim, dòng máy ảnh mirrorless của Sony tỏ ra thực sự vượt trội so với Canon. Ngoài ra, tôi muốn mang theo một chiếc camera nhẹ hơn, nhỏ gọn hơn để đi du lịch nước ngoài. Tôi đã chuyển sang dùng một sản phẩm mirrorless nhỏ nhắn của Sony: Alpha a6300. Quả thực, nó có một số tính năng tuyệt vời với số tiền nhỏ hơn và mang lại cho bạn rất nhiều thứ mà Canon đã không thực sự cung cấp được vào thời điểm đó.

 

 

 

Sony A6300 (bây giờ chỉ $900) mang đến cho bạn một thiết bị chụp ảnh cầm tay nhẹ/di động với khả năng quay video 4K, tự động lấy nét liên tục khi quay phim, 11 khung hình/giây khi chụp 24MP ảnh RAW, và nhiều tính năng thú vị khác. Tôi đã mua một ống kính rất tốt gắn bộ chuyển đổi cho máy ảnh Sony E-Mount rất tiện sử dụng cùng camera a6300 kết hợp với tất cả các ống kính Canon EF hiện tại của mình. 

Tôi vẫn thường dùng chiếc Canon 5D Mark II (được coi là một model khá cũ vào thời điểm đó). Khoảng đầu năm 2016, Canon 5D Mark IV chưa được phát hành. Vì vậy, Sony đã có một bước nhảy vọt so với Canon về công nghệ, cung cấp nhiều giá trị hơn so với khoản đầu tư mua về, và một số tính năng mạnh mẽ khi quay video tại thời điểm đó. Vì vậy, model này đã thu hút tôi.

Sang năm 2018, tôi sẽ thực hiện dự án quay phim bằng Sony trong 2 năm, bây giờ tôi cũng đang chụp hình với một chiếc Canon 5D Mark IV, body chính thường xuyên sử dụng, nó cung cấp một số chức năng mà chiếc 5D Mark II không có và tôi có thể thành thật nói rằng có một số mảng mà tôi cảm thấy máy ảnh Sony vẫn còn thực sự thiếu. 

Đây là 5 lý do chính khiến tôi quay trở lại chụp ảnh với Canon (mặc dù tôi vẫn định sử dụng Sony a6300 như một máy ảnh du lịch): 

Quay video tự động lấy nét tốt hơn

Canon chắc chắn có khả năng theo dấu autofocus liên tục tốt hơn Sony khi quay phim. Việc đơn giản để lấy nét khi 5D Mark IV đang ở chế độ live view là quan sát và chạm vào chủ thể ở mặt sau của màn hình LCD preview và bạn đã hoàn tất. Sau đó, nó sẽ theo dấu chủ thể chuyển động ở bất cứ nơi nào trong khung. Sony cũng sử dụng các chế độ autofocus tracking theo dấu nhận diện gương mặt, tự động bắt nét liên tục theo mắt, tự động lấy nét center lock, vv… nhưng không cái nào hoạt động mượt mà như của Canon.

Sony cũng kết hợp giữa công nghệ lấy nét tự động Phase Detection (PDAF) và Contrast Detection (CDAF) hoạt động tốt nhưng dường như vẫn không bằng chế độ tự động lấy nét Dual Pixel của Canon khi nói đến độ chính xác trong trường hợp ánh sáng yếu hoặc khi chụp các đối tượng có độ tương phản hạn chế.

 

 

Máy ảnh Canon EOS 5D Mark IV DSLR

Canon Log 

Canon có chức năng cho quay video bằng cách sử dụng một profile flat picture để tăng dynamic range trên Canon 5D Mark IV. Điều này có nghĩa là các vùng sáng không bị quá chói và chi tiết ở vùng tối không bị mất. Chức năng này được gọi là "Canon Log" hoặc "C-Log" và nó cung cấp dynamic range tổng cộng 14 stop.

 

Màu sắc tốt hơn

Nói chung, tôi cảm thấy Canon có biểu hiện màu sắc tốt hơn nhiều khi nói về việc tạo màu và cung cấp màu sắc tự nhiên theo cách mà người dùng mong đợi. Tôi đã dành rất nhiều thời gian chỉnh sửa cảnh quay video của Sony. Còn khi quay video với Canon Log, về cơ bản chỉ là một cú click chuột áp preset, tôi nhận được màu sắc ổn hơn nhiều. Điều này không dễ dàng đạt được với Sony. 

Dễ sử dụng

Sony chưa bao giờ được ca ngợi về tính năng dễ sử dụng khi nói đến hệ thống menu phức tạp và khó hiểu của hãng này, nhưng tôi đã cố gắng để làm quen. Mặc dù người dùng có thể học cách làm việc với các thiết lập của Sony nhưng vẫn không dễ như các thiết lập menu của Canon. Dùng Canon tôi thấy làm việc dễ dàng, đơn giản, trực quan và nhanh chóng.

Cảm nhận cầm tay

Một trong những điều quan trọng nhất khiến bạn thấy cảm tình với chiếc máy là ngay khi cầm trên tay. Khi cầm chiếc Canon DSLR, tôi luôn cảm thấy nó thật hoàn hảo với tôi và cảm giác thú vị giúp khơi dậy sự tự tin của bản thân khi đi chụp hình. Theo tôi, đây là điều rất cần thiết để tập trung vào những gì bạn đang chụp, và không bị phân tâm bởi một điều gì đó khiến bạn lúng túng hoặc khó chịu với một chiếc máy ảnh mà bạn không thấy yêu thích. 

Kết luận

Trên đây là những kết luận với chiếc A6300, và sau này là A7 II. Sony đã đạt được nhiều cải tiến với các chức năng quay phim 4K trên A7R III, cho phép tự động lấy nét tốt hơn trong các môi trường sáng yếu, nhưng nó không thay đổi quan điểm chung của tôi đối với máy ảnh Sony vào thời điểm này, vì vẫn còn một số vấn đề tôi đã đề cập mà Sony chưa thể vượt qua được. 

Tựu chung, mọi người đều có cách làm việc riêng và sở thích riêng của họ trong việc chọn lựa thiết bị máy ảnh. Vì vậy, tôi rất hạnh phúc nếu nhiều người thực sự thích chụp hình với Sony và không đồng ý với ý kiến ​​của tôi. Tôi không cố gắng để thay đổi tâm trí của bất cứ ai ở đây hoặc quảng bá cho Canon. Nhưng tôi đã muốn chia sẻ những quan sát và kinh nghiệm của tôi với cộng đồng.

Trong nhiếp ảnh có lẽ không có chuẩn đúng hay sai về quyết định chọn lựa máy, quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái nhất khi chụp hình. Cái này là quan điểm của từng cá nhân đối với việc đưa ra quyết định sử dụng máy ảnh thích hợp nhất đối với mỗi người. Nhưng điều quan trọng nhất là khi gắn bó với một camera trong tay là bạn có một công cụ giúp bản thân cảm thấy chắc chắn, đáng tin cậy và nó đáp ứng được các nhu cầu chụp ảnh của bạn, giúp bạn thao tác dễ dàng và thoải mái. Lúc này, tôi vẫn muốn chọn Canon.

Về tác giả

Marc Schultz là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp về du lịch và thương mại. Anh hay viết blog chia sẻ các trải nghiệm về nhiếp ảnh trong thời gian rảnh của mình. Các ý kiến thể hiện trong bài viết này chỉ là của tác giả. Để đọc thêm các bài viết khác của anh, hãy ghé thăm Blog Nhiếp ảnh Marc Schultz.

 

Theo Schultz Marc Schultz/Petapixel

 


Related Articles