Sở hữu trong tay những kỷ lục trên tạp chí danh tiếng National Geographic cùng hàng chục giải thưởng danh giá khác nhưng ít ai biết rằng, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Trần Tuấn Việt đã mất một hành trình rất dài để tìm ra bản ngã của chính mình.
Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt
Nổi lên như một hiện tượng trong năm 2017, Trần Tuấn Việt xuất sắc vượt qua gần 1.200 tác giả từ 37 quốc gia và gần 12.000 tác phẩm tham gia để đoạt Huy chương Vàng hạng mục ảnh tự do, cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017 (VN-17). Đây là cuộc thi lớn nhất, và cạnh tranh khốc liệt nhất trong năm 2017 của Việt Nam, được tổ chức bởi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế.
Trong năm 2017, nhiếp ảnh gia này cũng xuất sắc sở hữu kỷ lục hơn 20 bức ảnh trong Top ảnh đẹp nhất trong ngày do tạp chí National Geographic bình chọn.
Năm 2018, tác phẩm Làm Hương của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt xuất sắc chiến thắng hạng mục ảnh Du lịch của Cuộc thi ảnh thường niên rất danh giá Smithsonian. Đây cũng là tác phẩm từng được đăng trên mục "Những góc nhìn của thế giới" của tạp chí Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic), ấn bản tháng 6 năm 2017.
Tác phẩm Làm Hương góp phần làm nên tên tuổi của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt.
Trong sự nghiệp nhiếp ảnh của Tuấn Việt, ai cũng nghĩ dường như luôn bằng phẳng nhưng thực tế mọi việc không hề dễ dàng với anh trong suốt hành trình 12 năm qua.
Được gia đình định hướng vào ngành ngoại giao để có cuộc sống tốt hơn sau này nhưng chàng trai Trần Tuấn Việt năm ấy đã quyết định trở thành một kiến trúc sư vì sự đam mê với hội họa từ thuở bé.
Việt chia sẻ, mình là người ham học hỏi và luôn tự học hỏi mọi thứ, và anh cũng là người làm việc bằng cảm xúc. Thuở nhỏ Việt nhận thấy mình có năng khiếu về hội họa và tự quyết định thi vào ngành kiến trúc.
Đúng như lập trình ban đầu cuộc đời của mình, Việt đã đỗ hai trường đại học Kiến Trúc và Xây dựng. Đối với nhiều người, niềm vui tới khi trước mặt là một con đường êm ái với một tấm bằng kiến trúc sư sau mấy năm bào mòn hàng ghế giảng đường đại học. Nhưng với anh, một con đường êm ái không phải bao giờ là điều tốt nhất.
Anh nói, cuộc đời mình cũng thay đổi nhiều vào năm 2 đại học khi bén duyên với công nghệ thông tin (CNTT).
"Thời điểm đó Việt rất thích công nghệ và tự học hỏi về công nghệ thông tin rồi tự đi làm thêm để bươn chải bằng chính nghề này", NAG chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp ra trường và cầm trên tay chiếc bằng kiến trúc sư đúng mong ước từ thuở nhỏ nhưng Việt vẫn tiếp tục làm việc và sinh sống bằng CNTT đến nay đã 18 năm, dù không qua một trường lớp và không có một bằng cấp nào liên quan. Nhưng đó vẫn chưa là sự thay đổi lớn nhất đời anh và Việt lại tiếp tục rẽ ngang sang một con đường khác.
National Geographic là một trong những tạp chí nổi trên tiếng giới ra đời vào năm 1888. Thiết kế trình bày của tạp chí có khung viền vàng đặc trưng trên bìa ngoài. Tạp chí cho ra 12 ấn bản một năm (mỗi tháng một số) và ít nhất 4 phụ bản. Với nhiều chủ đề nổi tiếng về phong cảnh và lịch sử hầu hết mọi nơi trên thế giới, National Geographic có vị trí là tạp chí thượng đẳng về nhiếp ảnh. Vì đòi hỏi tiêu chuẩn cao, hình ảnh xuất hiện trên tạp chí này được sánh với những ấn phẩm cao nhất về nghệ thuật cũng như kỹ thuật trên thế giới. Ngay từ đầu thế kỷ 20 khi kỹ thuật còn kém, National Geographic đã in hình màu. National Geographic hiện có 32 phiên bản dùng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Tổng số phát hành hàng tháng là gần chín triệu bản in với hơn 50 triệu độc giả. |
Việt nhớ lại: "Như một cái duyên, khi cầm chiếc máy ảnh số lần đầu năm 2007, Việt đã đam mê và dồn mọi nguồn lực, thậm chí vay mượn tiền để sở hữu bộ máy ảnh. Cho đến năm 2015, khi đạt mọi thứ căn bản nhất của cuộc sống bằng nghề CNTT, Việt không ham kiếm tiền nữa và bắt đầu đi sâu hơn vào nhiếp ảnh".
Tương tự như việc tiếp cận CNTT, Việt cũng tự mình học hỏi, tự tìm tài liệu trên mạng, tự trải nghiệm mọi thể loại nhiếp ảnh và tự tìm cho mình được phong cách thực hành nhiếp ảnh cũng như lối đi riêng.
Việt mất hơn 7 năm để tìm ra được hướng đi riêng cho bản thân mình ở nhiếp ảnh. Trong quá trình tìm ra chất riêng của mình, Việt đã trải nghiệm ở mọi thể loại nhiếp ảnh, từ chân dung, phong cảnh, thiên văn, đường phố, thể thao, thiên nhiên hoang dã, đời thường, thậm chí cả nude art... và anh đã dừng bước ở thể loại kể chuyện bằng ảnh (storytelling), một mảng nhiếp ảnh truyền tải thông điệp và câu chuyện còn mới lạ ở Việt Nam.
NAG Trần Tuấn Việt cho biết mình không chịu ảnh hưởng của bất kỳ ai và tự định hình được phong cách của bản thân mình. Rất may mắn chỉ sau hơn chục năm gắn bó và hơn 2 năm kiên định với lối đi riêng đó, những bức ảnh của Việt dần được giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước ghi nhận.
Tính riêng trong năm 2019, dù ít tham gia cuộc thi nhưng nhiếp ảnh gia này cũng gặt hái được một số thành công từ việc đoạt giải thưởng danh dự cùng hai ảnh triển lãm của cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Ở đấu trường quốc tế, nhiếp ảnh gia này cũng lọt vào chung kết ba cuộc thi ảnh lớn và lâu đời, bao gồm: Cuộc thi nhiếp ảnh gia môi trường thế giới của năm 2019, tổ chức bởi CIWEM (Vương quốc Anh); Cuộc thi nhiếp ảnh gia du lịch của năm 2019; Cuộc thi nhiếp ảnh HIPA, tổ chức bởi hoàng thân UAE, là giải thưởng có giá trị giải thưởng lớn nhất thế giới (với giải đặc biệt lên đến gần 3 tỷ đồng).
Ngoài ra, Việt cũng là nhiếp ảnh gia duy nhất của Việt Nam được mời tham gia đóng góp hình ảnh và các câu chuyện ảnh của lên cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic. Cả năm 2019, với 120 hình ảnh chia sẻ ở nền tảng này, tài khoản Instagram của anh đạt hơn 1 triệu lượt yêu thích, chủ yếu từ bạn bè nước ngoài.
Dù khẳng định được vị thế của mình trong làng nhiếp ảnh Việt nhưng nhiếp ảnh gia này cho rằng, anh không lấy giải thưởng làm thước đo của một nhiếp ảnh gia. Chỉ theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh, làm những điều mình muốn, chụp những thứ mình thích, chia sẻ những niềm vui và điều tích cực với mọi người. “Những việc mình làm giá trị như thế nào, thời gian sẽ trả lời tất cả”.
Con đường đến với nhiếp ảnh của anh cũng không trải đầy màu hồng. Sau hơn nhiều năm theo nghề, Việt bộc bạch: "Năm 2019 mới thực sự là năm Việt có thể sống được bằng nhiếp ảnh. Việt nhận được nhiều lời mời hợp tác với các dự án, các sự kiện với các thương hiệu lớn và các chiến dịch truyền thông rất lớn. Được làm việc với những thương hiệu lớn cũng là cách giúp mình học hỏi, hoàn thiện bản thân".
Cũng trong năm 2019, nhiếp ảnh gia này cho biết đã gặp một vài biến cố trong cuộc sống. Sau một vài sự kiện cuối năm 2018, Việt rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Có nhiều đêm liền thức trắng, không thể ngủ, đầu óc quanh quẩn với những suy nghĩ tiêu cực và ám ảnh. Đầu năm 2019, Việt bắt đầu điều trị căn bệnh trầm cảm này.
Tháng 6/2019, nhờ lời mời từ Google mời tham gia chụp dự án ảnh Việt Nam lên Google Arts & Culture, Việt tạm vơi phần nào. Được làm việc mình yêu thích, được thực hiện phần nào đó "sứ mệnh" mang hình ảnh Việt Nam giới thiệu với thế giới.
Việt nói rằng, nhờ nhiếp ảnh mà anh vượt qua được trầm cảm, giúp anh kiên định hơn với niềm đam mê duy nhất trong cuộc sống, giúp khẳng định những việc đã làm bằng nhiếp ảnh thực sự có ý nghĩa.
Trong tương lai, Việt cho biết sẽ vẫn kiên trì theo đuổi con đường nhiếp ảnh như 12 năm qua. Chắt lọc hơn các câu chuyện về cuộc sống, tiếp tục hành trình ngang dọc đất nước mình để tìm hiểu, khám phá, ghi lại và chia sẻ cùng mọi người.
"Việt định hướng từ ban đầu, mọi người sẽ chỉ biết và quan tâm đến mình là một nhiếp ảnh gia, một người đam mê nhiếp ảnh và kể chuyện bằng ảnh. Trên tất cả các trang cá nhân trên mạng xã hội, Việt chỉ mong muốn truyền tải các thông điệp và những câu chuyện về đời sống liên quan đến nhiếp ảnh. Việt cũng vẫn giữ quan điểm chỉ chia sẻ những điều đẹp đẽ, thú vị, tích cực và tạo cảm hứng. Mọi hình ảnh Việt chụp và những câu chuyện Việt truyền tải cũng nhất quán chỉ về truyền thống, văn hóa, lịch sử, cảnh sắc và con người Việt Nam. Tất cả mọi hình ảnh đều có yếu tố con người, đặc biệt là những người dân lao động", nhiếp ảnh gia tài hoa tâm sự.
Năm 2020, Việt vẫn theo đuổi story-telling (kể chuyện bằng hình ảnh). Việt nói rằng sẽ cố gắng đóng góp nhiều hơn các hình ảnh Việt Nam lên cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic. Cũng năm nay, Tuấn Việt sẽ làm triển lãm cá nhân lần đầu tiên, chia sẻ các bức ảnh và các câu chuyện ảnh mình đã chụp và ghi lại dọc Việt Nam trong hơn 12 năm qua.
Tháng 9/2020 tới, Trần Tuấn Việt sẽ là nhiếp ảnh gia người Việt đầu tiên tham gia Đại hội Nhiếp ảnh Quốc tế Xposure (Xposure International Photography Festival). Đây là đại hội nhiếp ảnh quốc tế thường niên quy tụ những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới. Đại hội có tiêu chí "mang những nhiếp ảnh gia tốt nhất thế giới đến với bạn" được tổ chức tại Sharjah, một tiểu vương quốc của U.A.E.
Festival này từng có sự tham gia của những cái tên lẫy lừng của nhiếp ảnh thế giới như Cory Richards, Cristina Mittermeier, David Alan Harvey, George Steinmetz, Muhammed Muheisen, Paul Nicklen... Festival năm 2019 đã có 15.000 lượt khách tham gia, với các sự kiện như triển lãm ảnh, cuộc thi ảnh, workshop nhiếp ảnh.. của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới như Ami Vitale, Frans Lanting, Ira Block... Tại sự kiện này năm nay, Tuấn Việt sẽ tham gia giới thiệu hình ảnh văn hóa, truyền thống, cảnh sắc đất nước mình qua bộ ảnh triển lãm mang tên "My Vietnam".
Bài & Ảnh: Dân Trí