"Cái khó ló cái khôn", phóng viên chụp ảnh bằng... lưỡi, vượt bùn bằng thùng các tông

Nghệ An là địa bàn rộng lớn, thường xuyên bị thiên tai tài phá. Đội ngũ phóng viên thường trú là cánh tay nối dài của các tòa soạn, đưa đến cho độc giả cả nước những thông tin nóng hổi, chân thực và sinh động...

 

Một "rừng" cánh tay vác ống kính cố bắt kịp một khoảnh khắc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10 năm 2017 tai một trường học thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Bức ảnh do nữ PV Hồ Lài - Báo Giáo dục và Thời đại ghi lại. Giữa "rừng" phóng viên, với thể hình gầy gò, nhỏ bé, PV Hồ Lài đã bị "đánh bật" ra khỏi vòng tác nghiệp. "Chắc tại thấy tôi nhỏ quá, chen không nổi nên một anh cận vệ của Thủ tướng đã khoát tay. Tôi "nương" theo thân hình to lớn của anh, chen được vào gần Thủ tướng và bấm máy lia lịa. Dù tác nghiệp khó khăn nhưng may mắn tôi đã có những bức ảnh khá đẹp. Sau khi kiểm tra, đảm bảo mình đã có những bức ảnh tốt, tôi nhường vị trí tác nghiệp cho các phóng viên khác, thoát ra khỏi "vòng vây", trèo lên cây và ghi lại được khoảnh khắc này", PV Hồ Lài chia sẻ.

 

 


Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng lớn, thiên nhiên khắc nghiệt. Cơn bão số 3 xảy ra vào tháng 8/2018 đã tàn phá nặng nề các tỉnh miền Tây khiến đường sá bị hư hỏng nặng. Nhóm các phóng viên thường trú phải đi nhờ xe của các nữ giáo viên Trường Mầm non xã Chiêu Lưu (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) để vượt qua đoạn đường sạt lở, đến ghi nhận thiệt hại tại điểm trường bản Lưu Thắng. Sau cơn mưa lớn kéo dài, một mái núi đổ ập xuống, xóa sổ hoàn toàn lớp học dành cho trẻ 3-4 tuổi của điểm trường này.

 

 


"Cái khó ló cái khôn". Trong ảnh là PV Thành Cường - Báo Nghệ An tác nghiệp tại hiện trường lớp mầm non bị xóa sổ sau cơn mưa lớn. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, một khối lượng lớn đất, bùn vẫn chưa thể dọn sạch. Các phóng viên tận dụng những hộp các-tông rơi vãi để di chuyển trong sàn nhà đầy bùn non.

 

 


PV Hoàng Lam - Báo Dân trí tác nghiệp tại hiện trường vụ lũ quét, cuốn sập dãy nhà ký túc của các giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tháng 8/2018. Công trình xây dựng bên suối đã bị cuốn trôi hoàn toàn, chỉ còn khung cảnh hoang tàn, đổ nát khi nước lũ rút xuống.

 

 


Nhà báo Nguyễn Duy - Báo Dân trí (đội mũ phớt) cùng đồng nghiệp trượt ngã khi đang leo dốc, tiếp cận địa bàn bị mưa lũ tàn phá ở huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

 


Nhà báo Nguyễn Hồng Quang - Đài PT-TH thành phố Vinh (Nghệ An) tác nghiệp tại 1 sự kiện. Làm báo trong thời đại 4.0, tích hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau, vừa không để lỡ những thước phim quý giá nhưng cũng không thể bỏ lỡ những khoảnh khắc khác, anh nghĩ ra cách chụp ảnh bằng... lưỡi trong khi tay kia vẫn cầm chắc máy quay.

 


PV Tá Chuyên - Thông tấn xã Việt Nam phân xã Nghệ An tác nghiệp trong lũ tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) tháng 9/2017. Địa bàn rộng, các phóng viên được phân công ghi nhận tình hình ở nhiều nơi khác nhau nên các PV vừa là quay phim, vừa kiêm người dẫn hiện trường.

 

  

 

Vai mang ba lô máy tính, tay máy ảnh, tay máy quay là hình ảnh thường thấy của các PV thường trú. Nói PV thường trú là những người đa năng quả không sai. Đặc thù phụ trách địa bàn, "bao" tất cả các sự kiện, không để lọt, thiếu thông tin, các phóng viên thường trú phải ngày càng hoàn thiện mình nhằm đảm bảo đưa đến cho độc giả những thông tin mới nhất, sinh động và đầy đủ nhất. Để đáp ứng yêu cầu công việc, ngoài khả năng gõ bàn phím siêu nhanh, sử dụng điện thoại truyền tin, các phóng viên phải thành thạo chụp ảnh, quay phim và dựng clip gửi về cho tòa soạn trong thời gian ngắn nhất. Trong ảnh là PV Doãn Hòa - Báo Tuổi trẻ thường trú tại Nghệ An tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở đường ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vào tháng 10/2017. Do trời mưa, PV phải mang theo dù, vừa che mưa tránh nước vào máy ảnh, máy quay.

 

 


PV Anh Ngọc - Báo Người đưa tin di chuyển trên con đường độc đạo đã bị lũ cuốn, sạt lở xuống sông chỉ còn một lối nhỏ sau cơn bão số 3 năm 2018 để tiếp cận xã Mường Típ, Mường Ải - hai xã vùng biên của Nghệ An bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Kết thúc chuyến công tác 2 ngày, khi vừa ra đến thị trấn huyện Kỳ Sơn thì con đường độc đạo này cũng bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

 

 


Tác nghiệp trong điều kiện mưa lũ, việc đảm bảo an toàn cho máy móc được ưu tiên hàng đầu dù trong điều kiện thời tiết này, cầm dù thật vững để máy có thể bắt được những hình ảnh chân thực là rất khó. Trong ảnh là PV Bích Huệ - Thông tấn xã Việt Nam phân xã Nghệ An.

 

 


Nữ PV phải trèo lên núi để ghi lại hình ảnh người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thông đường sau cơn bão số 3/2018. Lúc này, phần đất đá phía trên vẫn đang có nguy cơ sạt lở xuống do ngấm nước lâu ngày.

 



Mặc dù đang bị gãy tay nhưng PV Ngô Toàn - Báo Pháp luật Việt Nam thường trú tại Nghệ An vẫn tham gia tác nghiệp, đưa tin vụ chìm tàu chở than khiến 13 người mất tích trên vùng biển Cửa Lò, Nghệ An sau cơn bão số 2, tháng 9/2017.

Theo Dân Trí

 

Nghề báo luôn gắn liền với vinh quang và không ít khó khăn, nhọc nhằn. Những nhà báo chân chính vẫn luôn làm cho nghề báo trở thành một nghề đáng được xã hội trân trọng và tự hào.
 
Xin gửi tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí, nhiếp ảnh báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Chúc các bác luôn luôn giữ vững ngòi bút của mình để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng!

Related Articles