Xiaomi đang có ý định thâu tóm GoPro: Lợi anh lợi ả, lợi cả đôi bên

Giá trị cổ phiếu của GoPro vừa bất ngờ tăng 8,8%, lên mức cao nhất $5.3, sau khi nhà sản xuất Trung Quốc Xiaomi tỏ ý muốn mua lại công ty này. Từ lâu, nhiều chuyên gia đã than phiền về việc GoPro là công ty one-trick-pony, tức là chỉ có tài năng, chuyên môn về mỗi một lĩnh vực - camera hành động.

Nhà sáng lập kiêm CEO Nick Woodman đã tạo ra điều tuyệt vời khi tạo ra hẳn một danh mục mới cho chiếc camera trong thời điểm mà phần còn lại của ngành công nghiệp đang phải vật lộn với việc kết hợp điện thoại và camera. Càng ngày, những mẫu camera hành động của GoPro không còn xuất hiện phổ biến vì sự quan tâm của người dùng ngày càng 'nhạt'.

Vấn đề của GoPro là công ty này đã không đa dạng hóa sản phẩm trong 16 năm liền. Các dòng sản phẩm của họ thay đổi không đáng kể, điều họ làm hàng năm chỉ là nâng cấp mẫu camera và phần lớn phụ thuộc vào thị trường nội địa. 

Năm 2004, khi GoPro trình làng camera đầu tiên, sản phẩm hot nhất của Apple là iPod. Và giờ đây, khi GoPro vẫn chỉ xoay quanh với camera hành trình thì Apple kiếm được "núi tiền" từ iPhone và nhiều model khác.

Xiaomi thâu tóm GoPro: Lợi anh lợi ả, lợi cả đôi bên - Ảnh 1.

GoPro không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ Trung Quốc tại châu Á, có cả Xiaomi

GoPro đã có vài nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nhưng đều thất bại. Năm 2016, hãng này gia nhập thị trường máy bay không người lái nhưng chỉ duy trì được trong 15 tháng khi mà DJI và các hãng drone khác đã và đang làm chủ thị trường.

Tại châu Á, GoPro thật khó cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc ngay cả thị trường camera và drone. Năm 2017, doanh thu từ châu Á chỉ chiếm 21% tổng doanh thu của GoPro và các năm trước thậm chí còn tệ hơn. Ngược lại, Xiaomi không bao giờ chịu đứng yên. Không chỉ thành công với smartphone, công ty khởi nghiệp của Trung Quốc này còn tạo ra hẳn một hệ sinh thái với sự tham gia của nhiều startup nhỏ khác. 

GoPro đang là mục tiêu mà Xiaomi có thể mua lại trong thời gian tới. ẢNH: AFP

Các sản phẩm mà Xiaomi cung cấp có đủ loại từ smartphone tới nồi cơm điện, máy lọc không khí và thậm chí cả cân điện tử, giày thông minh và camera hành động. Theo thông tin từ Information, Xiaomi sẵn sàng chi ra khoảng 1 tỷ USD để 'thâu tóm' GoPro.

Kết hợp với một hãng sản xuất thiết bị khác chính là mục tiêu mà GoPro nên hướng tới. Hiện tại, với iPhone và gậy tự sướng, người dùng có thể quay phim và chụp ảnh khi leo núi, trượt tuyết và sau đó trình chiếu trên TV để xem lại khi về khách sạn, nhà nghỉ. 

GoPro có thể khiến mọi thứ dễ dàng hơn cho người dùng bằng cách kết hợp camera của họ với các thiết bị như MiBox của Xiaomi cũng như routers và các thiết bị kết nối khác mà Xiaomi phát triển. Với sự hỗ trợ từ Xiaomi, các sản phẩm của GoPro có thể được bán với giá rẻ hơn. Cùng với đó, các kênh phân phối rộng rãi của Xiaomi cũng sẽ giúp GoPro thâm nhập tốt hơn vào thị trường châu Á.

Xiaomi thâu tóm GoPro: Lợi anh lợi ả, lợi cả đôi bên - Ảnh 2.
 
Drone Karma của GoPro chỉ tồn tại được đúng 15 tháng

Về phần Xiaomi, nếu chi ra 1 tỷ USD sẽ không khiến họ mất cân bằng về tài chính nhưng lại đem về rất nhiều lợi ích. CEO Lei Jun đang chuẩn bị IPO nên việc sở hữu một thương hiệu nổi tiếng tại Mỹ sẽ giúp Xiaomi nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư. 

Thương vụ này không chỉ giúp Xiaomi tham gia thị trường Mỹ mà còn vươn ra toàn cầu qua các kênh phân phối của GoPro. Hệ thống 30.000 cửa hàng tại 100 quốc gia của GoPro sẽ giúp Xiaomi giảm sự phụ thuộc vào các thị trường châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

GoPro đã thuê ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase&Co. làm trung gian cho thương vụ này. Theo The Information, GoPro có thể có giá trị 1 tỉ USD dựa trên số tiền mà Hewlett-Packard phải trả để mua lại Palm trong quá khứ. Vấn đề là theo một nguồn tin, trong khi Xiaomi vẫn đang chờ mua lại GoPro thì công ty cũng không muốn trả quá nhiều tiền. Xiaomi đã có những dòng camera riêng, vì vậy mua lại GoPro có thể giúp công ty mở rộng hơn nữa dòng sản phẩm của mình, đặc biệt là IP Camera của GoPro.

Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích Xiaomi cần giữ nguyên thương hiệu GoPro và đừng đặt thương hiệu của mình lên tất cả mọi sản phẩm. Xiaomi cần vạch ra một chiến lược đa thương hiệu, giữ chân nhóm phát triển GoPro và để họ tiếp tục làm việc ở California. Bằng cách ấy, Xiaomi có thể tiếp tục giúp họ mở rộng sang các dòng sản phẩm mới dưới thương hiệu GoPro. 

Theo Neowin, đây là một tín hiệu vui cho GoPro sau khi giá trị cổ phiếu của GoPro chứng kiến mức giảm tự do 36%, đưa giá trị vốn hóa thị trường của hãng xuống chỉ còn 761 triệu USD. Kết quả của tình trạng kinh doanh ảm đạm đã buộc GoPro sa thải nhiều bộ phận và ngừng hoạt động mảng kinh doanh máy bay không người lái.

Vào tháng 1, CEO GoPro Nick Woodman đã có một cuộc phỏng vấn với CNN, nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận ý tưởng bán GoPro Inc. cho một công ty lớn. Ông tin điều này sẽ giúp GoPro mở rộng quy mô kinh doanh của mình và đem lại lợi nhuận tốt hơn cho các nhà đầu tư thay vì hoạt động như một công ty độc lập hiện nay.

Tất nhiên, tất cả những điều trên chỉ xảy ra khi các cơ quan quản lý của Mỹ phê duyệt thương vụ này. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến các thương vụ thâu tóm xuyên biên giới như thế này bị đổ bể.

Theo Trí Thức Trẻ & Thanh Niên

 

Related Articles